Ngày 30-10, tại TP Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT và FAO đã tổ chức hội thảo về quản lý và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Theo bà Hoàng Hương Giang (Phó phòng Thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi), kháng sinh được sử dụng sẽ mang lại nhiều cái lợi cho người chăn nuôi như tăng khả năng sinh trưởng; tăng tỉ lệ thịt xẻ và thịt nạc; tăng năng suất sinh sản, sữa ở bò... Tuy nhiên, tại một số quốc gia tại châu Âu đã cảnh báo về mối nguy hiểm khi sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với sức khỏe con người.
“Từ tháng 12-1998, các bộ trưởng nông nghiệp khối EU đã bỏ phiếu thống nhất cấm sử dụng các loại kháng sinh làm chất kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi như: Spiramycin, Tylosin Phosphate, Virginiamycin và Bacitracin-Zinc, Flavophospholipol, Avilamycin, Monensin Sodium, Salinimycin, 2N-Dioxides Carbadox và Olaquindox” - bà Giang nói.
Theo ông Đỗ Trọng Minh (Phòng Quản lý thuốc, Cục Thú y), hiện có gần 9.000 sản phẩm thuốc thú y đã được đăng ký lưu hành. Trong đó, thuốc thú y sản xuất trong nước là hơn 6.000 sản phẩm (gần 4.000 sản phẩm có chứa hoạt chất kháng sinh) và thuốc nhập khẩu là hơn 3.000 sản phẩm (gần 2.000 có chứa hoạt chất kháng sinh).
Từ năm 2005-2012, Cục Thú y đã lấy 2.463 mẫu thuốc thú y để kiểm tra chất lượng và phát hiện 379 mẫu (15,4%) thuốc thú y không đạt chất lượng. Năm 2013, đã phát hiện 14 mẫu thủy sản nuôi có dư lượng thuốc kháng sinh bị cấm Enrofloxacine với giá trị phát hiện từ 1,7 ppb đến 576,14 ppb. Ngoài ra, có hai mẫu phát hiện Ciprofloxacin vượt quá giới hạn cho phép gồm cá tra, cá lóc, cá rô đồng thương phẩm ...
“Mặc dù Enrofloxacin đã bị cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản tại Việt Nam từ tháng 3-2012, tuy nhiên vẫn có tình trạng người dân lạm dụng để trị bệnh cho thủy sản nuôi, đặc biệt là kháng sinh Enrofloxacin và Ciprofloxacin thuộc nhóm Quinolones” -ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, năm 2013 tiến hành phân tích 110 mẫu thức ăn chăn nuôi thì phát hiện gần một nửa có chất kháng sinh... Còn kiểm tra mẫu thịt gà, heo thì có gần 10% tồn dư thuốc kháng sinh.
"Có hiện tượng dư lượng chất kháng sinh, sử dụng bừa bãi là do thú y cơ sở không được đào tạo đến nơi đến chốn. Trong khi người chăn nuôi thấy gia súc, gia cầm bỏ ăn là tiêm kháng sinh mà không cần biết bệnh do virus hay vi khuẩn" - ông Minh nói.
Ngoài ra, người chăn nuôi còn trộn kháng sinh vào thức ăn vừa để phòng bệnh vừa kích thích tăng trưởng; không tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi giết mổ, mặc dù có ghi trên nhãn thuốc. Việc kiểm soát chất tồn dư kháng sinh trong thực phẩm có nguồn gốc động vật chưa đồng bộ, chưa có chương trình chiến lược quốc gia...
“Nếu không quản lý và nâng cao kiến thức sử dụng thì kháng sinh sẽ tràn lan trên thị trường và sẽ bị sử dụng tùy tiện, bừa bãi, vô tội vạ. Những chủng kháng thuốc từ động vật có thể truyền lây sang người là gánh năng cho y tế cộng đồng và tổn thất của Chính phủ cũng như người dân không thể lường trước được” - ông nhận định.