Trước kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhiều vấn đề vẫn chưa rõ

Đó là hàng loạt băn khoăn của đại diện các trường ĐH, THPT được nêu ra tại Hội thảo hướng nghiệp năm 2015. Hội thảo nằm trong chuỗi chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” do Sở GD&ĐT TP.HCM, Báo Người Lao Động và ĐH Hoa Sen tổ chức sáng 21-12.

Mặc dù là hội thảo về hướng nghiệp nhưng nội dung chính được xoáy sâu vẫn là kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2015.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc Gia TP.HCM, bày tỏ vẫn chưa hết bất ngờ khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay. Theo TS Nghĩa, dự thảo này có rất nhiều điểm mới nhưng chưa rõ ràng khiến nhiều trường ĐH CĐ, THPT băn khoăn và chưa hiểu mục đích của những thay đổi ấy.

“Lúc đầu, Bộ cho các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Sau đó, Bộ lại yêu cầu các trường giữ nguyên khối thi truyền thống để đảm bảo tính ổn định. Tuy nhiên, nếu trường nào muốn xét tuyển thêm tổ hợp ba môn nào thì phải báo về Bộ trước ba năm. Vậy các trường đã lên kế hoạch tuyển sinh riêng rồi thì phải tính sao?”, TS Nghĩa nói.

Các thí sinh tại hội đồng thi của trường ĐH Kinh Tế TP.HCM chuẩn bị làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh năm 2014

Về vấn đề cụm thi, theo TS Nghĩa cả nước có 34-35 cụm thi. HS dự thi tối thiểu bốn môn (ba môn bắt buộc) nhưng phần lớn sẽ chọn thi 5-6 môn để xét tuyển tất cả các khối. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng có những môn thi rất ít thí sinh dự thi như Lịch Sử, Địa Lý, cần tính toán tổ chức cụm thi như thế nào cho thuận lợi và tiết kiệm.

Ngoài ra, theo TS Nghĩa, hồ sơ đăng ký dự thi nên thay đổi lại. Theo tính toán của Bộ, sẽ có khoảng 20% HS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, nghĩa là các em chỉ thi 4 môn. Tuy nhiên, lựa chọn này chỉ tương đối, có thể lúc đầu các em không tính xét tuyển ĐH CĐ nhưng sau đó muốn đổi ý. Nếu yêu cầu đăng ký ngay từ đầu có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của HS về sau.

Liên quan đến môn ngoại ngữ, những em có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên sẽ được miễn thi và hưởng điểm tối đa. Theo TS Nghĩa, đây là lợi thế của HS ở các thành phố lớn, liệu có công bằng với HS địa bàn nông thôn. Hơn nữa, mặc dù miễn thi nhưng nếu muốn xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì vẫn phải dự thi môn này bình thường.

Đồng tình, ông Bùi Gia Hiếu, hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, cũng cho rằng Bộ ra dự thảo quá gấp gáp, nhiều thông tin mới khiến nhà trường gặp khó khăn để tiếp cận. Nhiều phụ huynh thắc mắc mà trường không biết giải đáp thế nào vì còn quá mù mờ.

Ông Hiếu ý kiến năm học trước, cả nước có khoảng 10.000 HS rớt tốt nghiệp và sẽ thi lại trong năm nay. Tuy nhiên, kỳ thi năm nay lại gộp chung nên sẽ có nhiều phức tạp từ khâu tổ chức đến đề thi. Điều này sẽ khiến những em này bị thiệt thòi.

Đại diện của trường THCS-THPT Trí Đức cũng băn khoăn cách quy hoạch cụm thi sẽ như thế nào, Bộ cần quyết định sớm để phụ huynh, HS chủ động.

Vấn đề mấu chốt được nhiều đại biểu quan tâm nhất là cấu trúc đề thi. Cụ thể là bố cục đề thi, mức độ khó dễ, phân bổ nội dung các khối lớp, thời lượng, yêu cầu riêng của từng bộ môn… cần có thông tin sớm để các trường định hướng ôn tập cho HS một cách tốt nhất, tránh lãng phí thời gian và công sức của các em.

Những băn khoăn này chủ yếu là vấn đề kỹ thuật cần được cụ thể hóa một cách rõ ràng và thống nhất.

 

Học sinh của 6 tỉnh thành sẽ dự thi tại TP.HCM

Để tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2015, cả nước sẽ có 34-35 cụm thi do các trường ĐH và Sở GD&ĐT tổ chức. Riêng tại TP.HCM sẽ có 6 cụm thi gồm ĐH Quốc gia, Sư phạm, Công nghiệp, Y dược, Tôn Đức Thắng và Nông Lâm. Theo thông tin chưa chính thức từ Bộ GD&ĐT, cụm thi tại TP.HCM thêm 6 tỉnh thành khác đến dự thi là Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai. Như vậy, tổng số thí sinh dự thi tại TP sẽ lên đến khoảng 180.000 em, trong đó TP chiếm khoảng 60.000 em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm