Chiều tối 18-11, Trường Đại học Sài Gòn đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm truyền thống (1972 - 2022). Tham dự có gần 1.500 đội ngũ thầy cô giáo, khách mời cùng các em sinh viên, học viên và cả học sinh.
Được biết, đây là một trong hai ngôi trường có quy mô đào tạo khối ngành sư phạm lớn nhất tại TP.HCM hiện nay, cung ứng nguồn giáo viên lớn cho TP cũng như các tỉnh/thành khác, bên cạnh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
|
Tiết mục văn nghệ có đầy đủ đại diện giáo viên, học viên, sinh viên và học sinh của trường. Ảnh: PA |
Tại buổi lễ, PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng trường đã ôn lại truyền thống 50 năm của trường. Đó là từ khi khai sinh Trường Sư phạm cấp II miền Nam Việt Nam được thành lập ở Xa Mát (Tây Ninh) năm 1972 cho đến khi thành lập Trường ĐH Sài Gòn năm 2007 và trở thành cơ sở giáo dục ĐH công lập trực thuộc UBND TP.HCM.
Theo PGS.TS Phạm Hoàng Quân, trường có 44 đơn vị thuộc, trực thuộc. Đáng nói, đến thời điểm này, Trường ĐH Sài Gòn là trường duy nhất tại TP.HCM có hệ thống trường thực hành hoàn chỉnh phục vụ cho công tác đào tạo giáo viên. Đó là Trường trung học Thực hành Sài Gòn (lớp 6 đến 12) và Trường tiểu học Thực hành đại học Sài Gòn.
Hiện nhà trường đang tổ chức năm ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 12 ngành trình độ thạc sĩ, 38 ngành đào tạo cử nhân hình thức chính quy và 12 ngành đào tạo cử nhân hình thức vừa làm vừa học…
Trường đã hoàn thành và được công nhận kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục đại học từ năm 2017, 11 chương trình đào tạo đạt chuẩn theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, bốn chương trình đào tạo đạt chuẩn Đông Nam Á (AUN-QA).
|
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Lệ tặng cờ thi đua cho Hiệu trưởng Phạm Hoàng Quân - đại diện tập thể trường. Ảnh: PA |
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM chúc mừng và ghi nhận những nỗ lực của trường trong suốt 50 năm qua. Từ mái trường này, hơn 70.000 kỹ sư, cử nhân, gần 3.000 thạc sĩ và tiến sĩ đã được đào tạo và trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và cả nước.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Lệ mong muốn trường phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác quản lý, nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế, chăm lo, đầu tư hơn nữa để phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Cùng với đó, bà Lệ đề nghị trường cần tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chú trọng gắn đào tạo với nhu cầu lao động của xã hội, đảm bảo chất lượng đầu ra các chương trình đào tạo.
Trường phải phấn đấu để trở thành nơi có môi trường học tập và nghiên cứu khoa học thực sự dân chủ, cởi mở, nơi trí thức và những cống hiến khoa học được trân trọng và tôn vinh.
Trong dịp này, trường vinh dự nhận Cờ Thi đua của Bộ GD&ĐT, Cờ truyền thống của UBND TP.HCM và nhiều tập thể, cá nhân được tuyên dương, khen thưởng.
|
Ông Võ Văn Thật được bà Nguyễn Thị Lệ tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: P.A |
Đáng chú ý trong đó, ông Võ Văn Thật, Phó hiệu trưởng trường được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp trong công tác chuyên môn cũng như các hoạt động vì cộng đồng.