Trường học cần đón nhận công cụ mới và thú vị của ChatGPT

(PLO)- Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu nhiều hình thức thi và kiểm tra, sao cho người học không thể lợi dụng công cụ ChatGPT để làm hộ bài tập, tìm kiếm lời giải. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xung quanh chủ đề về ChatGPT xuất hiện, trường học, giáo viên lo sợ? mà PLO đăng tải, PGS-TS Nguyễn Văn Sinh, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã có những chia sẻ thú vị về công cụ đang gây "sốt" này.

Được biết, ChatGPT đang là một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) rất nổi tiếng trong những ngày gần đây, khi số người dùng ngày một gia tăng nhanh chóng và đã sắp vượt ngưỡng con số 100 triệu users.

Theo quan điểm của PGS-TS Nguyễn Văn Sinh, thực chất ứng dụng này không có gì mới về mặt công nghệ. Nó được xây dựng trên nền tảng của AI, một công nghệ đã và đang phát triển, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trong những năm qua. Tuy nhiên, điểm thú vị và gây tác động “kinh ngạc” với người dùng trên toàn cầu trong những ngày gần đây chính là khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên của ứng dụng này. Nó có thể đáp ứng một cách nhanh chóng những câu thoại, yêu cầu truy xuất thông tin của người dùng, trả lời tư vấn tự động và chính xác, thậm chí còn có thể làm thơ, viết luận và giải toán... như con người.

PGS-TS Nguyễn Văn Sinh đánh giá đây là một ứng dụng AI rất thú vị, có thể áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề mà có thể thay thế con người như tư vấn tự động, hỗ trợ thông tin trong các dịch vụ tìm kiếm, dịch vụ chăm sóc khách hàng, hỗ trợ giáo viên, học sinh trong giảng dạy và học tập…

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Văn Sinh cho rằng mọi sự việc đều có tính hai mặt. Sự ra đời của ChatGPT đem lại những yếu tố tích cực nhưng cũng đem lại nhiều yếu tố tiêu cực và có ảnh hưởng nhất định trong công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học hiện nay.

Thầy trò Trường ĐH Quốc tế trong một giờ học. Ảnh: NTCC

Thầy trò Trường ĐH Quốc tế trong một giờ học. Ảnh: NTCC

“ChatGPT có thể hỗ trợ giảng viên soạn thảo bài giảng, tạo câu hỏi và trả lời cho các bài tập của các môn học. Người học cũng có thể lợi dụng kho “tri thức” to lớn và khả năng xử lý ngôn ngữ của công cụ này để soạn thảo báo cáo, tìm kiếm câu trả lời, tìm lời giải cho các bài tập mà giảng viên giao. Thậm chí, ứng dụng này còn hỗ trợ sinh viên viết luận văn tự động..., từ đó làm cho người học lười suy nghĩ, thui chột khả năng tư duy sáng tạo” - PGS-TS Nguyễn Văn Sinh bày tỏ.

Do đó, theo PGS-TS Nguyễn Văn Sinh, các trường học cần đón nhận công cụ mới và thú vị này với tâm lý phấn khởi, tò mò tìm hiểu và sáng tạo. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu và cải thiện, khắc phục các yếu tố tiêu cực, phát huy tính tích cực của nó.

Với người dạy, PGS-TS Nguyễn Văn Sinh cho rằng hãy xem ChatGPT như một “người bạn”, một “công cụ hỗ trợ”, một “ví dụ thực tiễn” để minh hoạ, tương tác làm cho bài giảng của mình thêm sinh động. Bên cạnh đó, sử dụng nó như một công cụ thông minh để tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc nghiên cứu, phát triển và truyền cảm hứng cho người học.

Còn với người học, hãy xem chatGPT như một công cụ để hỗ trợ tìm kiếm, khai thác thông tin, hỗ trợ tính toán nhanh như những chiếc máy tính cá nhân.

Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu các hình thức thi và kiểm tra, sao cho người học không thể lợi dụng công cụ này để làm hộ bài tập, tìm kiếm lời giải cho các bài toán, viết bài luận, luận văn tự động, ...

“Ví dụ hãy tăng cường sử dụng hình thức thi phỏng vấn trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên, để có thể đánh giá chính xác năng lực của người học, thay vì cho các em làm bài tập trực tuyến hoặc viết báo cáo khi mà có thể dùng công cụ này làm thay” - PGS-TS Nguyễn Văn Sinh đề xuất.

Ngoài ra, PGS-TS Nguyễn Văn Sinh gợi ý các đơn vị cần áp dụng các công cụ phát triển khác để đánh giá sự gian lận trong giáo dục như “Turnitin” (dùng để kiểm tra đạo văn) hoặc chính công cụ của Công ty Open AI để xác định phân loại văn bản là thật (con người làm ra) hay giả (do ChatGPT thực hiện)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm