Trường học chấm điểm bài làm học sinh qua lượt like trên facebook, zalo

(PLO)- Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 chấm điểm bài làm học sinh ngoài nội dung, hình thức thiết kế còn căn cứ vào lượt like trên facebook và share trên zalo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Trường THPT Bùi Thị Xuân tổ chức cho học sinh khối 10 đi xem kịch ”Yêu là thoát tội”. Đây là hoạt động không bắt buộc. Mỗi học sinh tham gia đóng 65.000 đồng.

Sau khi xem kịch xong, các em sẽ làm bài thu hoạch theo nhóm từ 8 đến 10 em.

Trường Bùi Thị Xuân chấm điểm bài làm học sinh qua lượt like trên facebook, zalo
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân trong cuộc thi nhảy flashmob. Ảnh: FANPAGE HỌC SINH THPT BÙI THỊ XUÂN

Phụ huynh chia hai luồng ý kiến

Các thầy cô chấm điểm bài làm với thang điểm đánh giá 10 điểm. Trong đó, nội dung cảm nhận vở kịch (3 điểm); thiết kế bài thu hoạch đẹp (3 điểm); lượt like Facebook và Zalo cá nhân được trên 100 like (2 điểm); share trên trang cá nhân đạt trên 50 share (2 điểm).

Hình thức chấm điểm mới mẻ này hiện cũng nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Một phụ huynh cho biết cách làm trên sẽ giúp học sinh tự tin viết cảm nhận của mình khi xem xong một tác phẩm nghệ thuật lên mạng xã hội, đồng thời vừa giới thiệu cho người khác biết thêm về vở kịch. Vì thế, phụ huynh này ủng hộ hình thức chấm bài trên.

Đồng tình, một phụ huynh khác cũng cho biết ủng hộ cách làm của trường vì sẽ đem đến trải nghiệm thú vị cho học sinh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chưa tán thành vì cho rằng chỉ có giáo viên mới đủ tư cách chấm bài của học sinh.

Định hướng học sinh sử dụng mạng xã hội văn minh

Trao đổi với PLO, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân nói: “Nhà trường đã tổ chức cho học sinh trải nghiệm xem kịch, phim, cải lương từ nhiều năm nay. Vở kịch “Yêu là thoát tội”, tôi đã xem 19 suất cùng các em, đây là một vở kịch hay, ý nghĩa. Từ cảnh trí, âm thanh ánh sáng, trang phục luôn nhận được tiếng vỗ tay của học trò.

Bài thu hoạch của các em làm dạng clip sẽ được chia sẻ lên mạng xã hội để lan tỏa và cũng là một trong những yếu tố để tính điểm. Điểm thưởng từ 1 đến 2 điểm, được cộng vào cột điểm kiểm tra thường xuyên.”

Lý giải thêm, thầy hiệu trưởng nhận định hiện mạng xã hội đang rất phát triển. Học sinh sử dụng nhiều nhưng cha mẹ và thầy cô không thể kiểm soát. Một số em sử dụng mạng xã hội chưa đúng quy định như like, chia sẻ những thông tin không chính thống, những tin sai sự thật, thậm chí thông tin phản động. Do đó, trách nhiệm của nhà trường là giáo dục, định hướng để các em sử dụng mạng xã hội một cách hữu ích và văn minh.

Không riêng gì bộ môn Ngữ Văn, ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, sắp tới tổ tin học sẽ cho các em làm infographic với chủ đề “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”. Muốn làm được bài, các em phải đi sưu tầm hình ảnh và tìm hiểu nhiều tư liệu; Hay cuộc thi flashmob do đoàn trường tổ chức cũng được đưa lên youtube để các em vào like và share

“Hành trình 1000 ngày thanh xuân của các em tại mái trường này có thể sẽ không nhớ hết các bài học nhưng những trải nghiệm khi làm những bài thu hoạch, những chia sẻ tương tác từ sản phẩm của mình sẽ là kỷ niệm đẹp với các em” - thầy Phú nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm