Thông tin từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, trường vừa đưa vào sử dụng một phòng diễn án dành cho sinh viên luật thực hành. Với kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng, phòng này được thiết kế như là một phòng xét xử thật ở tòa, với đầy đủ các tiện nghi cần thiết.
Chia sẻ với PLO, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phượng, Trưởng khoa Chính trị và Luật của trường, cho biết phòng diễn án sẽ là nơi diễn ra các phiên tòa giả định, nơi ghi nhận các nghiệp vụ giả định của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký, kiểm sát viên, luật sư, đội ngũ hỗ trợ tư pháp.
Được biết, năm 2023 là năm đầu tiên trường tuyển sinh ngành luật với điểm đầu vào năm đầu là 22,75 điểm. Đây cũng là ngành duy nhất thời điểm đó trường có tuyển sinh khối C00 (Văn, sử, địa). Và đến năm nay, trường dự kiến mở thêm ngành Tâm lý học giáo dục, là ngành thứ hai tuyển sinh có tổ hợp C00.
Mặc dù còn mới mẻ trong đào tạo luật nhưng theo Tiến sĩ Phượng, trường luôn mong muốn việc đào tạo của khoa luôn gắn liền với những yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, chiến lược đào tạo ngành luật của trường là tập trung đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp, chú trọng các chương trình đào tạo nghiệp vụ thực tiễn, truyền cảm hứng cho sinh viên nghiên cứu, học tập hiệu quả hơn.
Cùng với đó, trường còn có Trung tâm thực hành pháp luật, có chức năng tổ chức thực hành, tư vấn, thực hành tố tụng (thông qua các phiên tòa giả định). Đồng thời thực hiện các hoạt động cộng đồng phục vụ cho nhà trường như tổ chức tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ tư vấn pháp lý, giúp cho nhiều sinh viên có cơ hội làm việc thực tiễn, nâng cao các kỹ năng thiết yếu và áp dụng được các kiến thức đã học.
Tiến sĩ Phượng cho rằng, khi kinh tế thị trường ngày càng phát triển, “đầu ra” cho sinh luật hiện nay khá đa dạng. Sinh viên luật sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, văn phòng luật sư, công ty luật, hay làm việc tại các doanh nghiệp…