TS Huỳnh Thế Du: 'Có nhiều tập đoàn kiểu tôm + cua + cá'

Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên - năm 2019 với chủ đề "Bứt phá từ những động lực tăng trưởng" do Thời báo Kinh tế Việt Nam chủ trì tổ chức sáng 12-3, các chuyên gia đều cho rằng nhiều động lực quan trọng cho sự bứt phá đã được xác định. Song làm thế nào để biến các động lực đó trở thành những kết quả trên thực tế, thực sự không phải là điều dễ dàng.

Mô hình tập đoàn kiểu tôm + cua + cá

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên trường Đại học Fullbrigt cho rằng: trong lịch sử phát triển của nhân loại, kinh tế thị trường mà nòng cốt của nó là kinh tế tư nhân là con đường đem lại sự thịnh vượng cho các quốc gia.

Tất cả các quốc gia đã thành công và trở nên phát triển đều đi theo con đường tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, cơ chế thị trường được hoạt động ngày một tốt hơn.

Nều nhìn vào sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp trong những năm gần đây thì thấy rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi hầu hết những tổng công ty lớn của Nhà nước, từ những ngành có những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên hay độc quyền tự nhiên, đều có vấn đề và là gánh nặng cho nền kinh tế.

"Thực ra, ở các doanh nghiệp có lợi thế cũng có vô số vấn đề nhưng có thể đang tạm thời được che lấp bởi những nguồn lợi mà chúng mang lại", ông Du nói.

Đánh giá về sự phát triển yếu kém của doanh nghiệp Nhà nước, TS Huỳnh Thế Du cho biết: Trong khi các vấn đề gây ra sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước chưa được xử lý một cách triệt để, thì các tổng công ty lại đua nhau chuyển thành các tập đoàn và mở rộng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực mà chúng chẳng có liên quan gì với nhau, cũng như với hoạt động nòng cốt của doanh nghiệp.

“Việc kết hợp là cần thiết, nhưng với mô hình tập đoàn kinh tế và những gì mà một số tập đoàn đang cố gắng làm giống như sự kết hợp kiểu tôm + cua + cá. Điều gì sẽ xảy ra nếu một con đi ngang, một con đi lui và một con đi tới bị buộc lại với nhau? Hơn thế với mô hình tổ chức và cách thức hoạt động không khác nhiều so với tổng công ty hiện tại đang tạo ra rất nhiều kẽ hở.

Thiệt hại đã là đáng kể khi có những người không có năng lực điều hành doanh nghiệp, nhưng tổn thất cho nền kinh tế sẽ nặng nề hơn rất nhiều khi những người có năng lực tìm cách trục lợi. Khi đó, các tập đoàn kinh tế rất dễ trở thành con voi trắng, những cỗ máy phung phí nguồn lực của xã hội”, TS Du nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Khu vực kinh tế tư nhân chiếm một lực lượng đông đảo, với khoảng 700 ngàn doanh nghiệp (con số Tổng cục Thuế đưa ra) và hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh. Thời gian qua, nền kinh tế có nhiều biến động, nhưng khu vực tư nhân vẫn trụ vững.

Khu vực kinh tế này hiện đóng góp hơn 40% GDP - con số này cao hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước, và cao hơn cả doanh nghiệp FDI; đóng góp khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp; gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ; khoảng 64% tổng lượng hàng hóa vận chuyển...

Kinh tế tư nhân có xu hướng vượt khu vực kinh tế nhà nước để trở thành thành phần kinh tế thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội lớn nhất. Vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực kinh tế tư nhân tăng đều đặn xấp xỉ 10%/năm.

Người dân, doanh nghiệp như “Từ Hải chết đứng”

Ngay trong cuộc hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI đã làm một cuộc khảo sát nhanh đối với các doanh nghiệp có mặt tại hội thảo cho thấy có tới 54% doanh nghiệp đánh giá khó khăn nhất của họ hiện nay là thủ tục hành chính rườm rà, 68% cho rằng việc thực thi thủ tục hành chính 2018 so với các năm trước đó vẫn như cũ.

TS Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm: Hiện nay điểm nghẽn lớn nhất vẫn là các qui định thể chế đang chồng chéo lên nhau, nhiều khi người dân và doanh nghiệp như là “Từ Hải chết đứng” bởi nếu áp dụng theo luật của bộ này thì đúng nhưng nếu áp dụng theo luật của bộ khác thì sai. Thậm chí ngay trong một luật nhưng ở địa phương này giải thích kiểu này, còn địa phướng khác lại giải thích kiểu khác.

Cho nên cần phải làm thế nào để giảm tình trạng tham nhũng vặt, bởi những đơn vị cơ quan hành chính từ cấp xã, phường … đều có thể chia chác với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Do đó cần phải có hệ thống pháp luật đảm bảo được yêu cầu minh bạch để bảo vệ những đối tượng kinh doanh này.

Nhìn từ góc độ cải cách thể chế, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng nhược điểm lớn nhất là chúng ta không cải cách đồng bộ, giải quyết vấn đề từ hành chính tới, tổ chức bộ máy tới con người, nền tài chính công… Tất cả các mối quan hệ này đều không đồng bộ. Sửa đầu này nó vênh đầu kia. Quốc hội mới làm hàng chục đạo luật ở nhiệm kỳ trước thì sang nhiệm kỳ này đã sửa hết rồi, chưa dùng đã sửa.

“Chúng ta phải tạo môi trường cho tư nhân phát triển để người làm ăn lành mạnh có thể phát triển được, còn những doanh nghiệp dựa vào cơ chế, dựa vào quen biết, luồn lách không có đất phát triển. Bởi những ai làm ăn kiểu gian dối với những ai làm ăn chân chính cùng tồn tại thì chắc chắn những doanh nghiệp làm ăn chân chính không có đất mà sống”, TS Trần Du Lịch phân tích.

TS Trần Du Lịch nói tiếp: “Vấn đề đặt ra là nếu thiếu tư duy hệ thống về quản lý Nhà nước phù hợp với sự vận hành của thế chế kinh tế thị trường, thì mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả, mà tính mâu thuẫn và phức tạp ngày càng tăng thêm. Điển hình nhất là hàng chục đạo luật về kinh tế quốc hội mới ban hành ở nhiệm kỳ trước thì nhiệm kỳ này đã phải sửa đổi vì mâu thuẫn, xung đột khi thực thi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới