TS Trần Du Lịch: Mô hình TOD biến quỹ đất đô thị thành con gà đẻ trứng vàng

(PLO)- TS Trần Du Lịch đề nghị áp dụng mô hình TOD cho các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ để 'biến' quỹ đất đô thị thành "con gà đẻ trứng vàng" mà không phụ thuộc lớn vào ngân sách.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 18-7, tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, TS Trần Du Lịch chia sẻ từ lâu ông cùng các chuyên gia đã ước mơ làm sao để vùng Đông Nam Bộ có điều kiện phát triển ngang tầm.

Theo ông, từ đầu những năm 2000, các chuyên gia có tư duy xây dựng tứ giác phát triển gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu như một cực tăng trưởng mà với chính sách phù hợp thì tứ giác này có thể đạt tăng trưởng hai con số trong nhiều năm.

TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Hiện nay với Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, những ước mơ của ông và các chuyên gia đã bắt đầu đi vào hiện thực. Nghị quyết 24 đã mở ra không gian phát triển của vùng, trong đó định hướng phát triển đi vào kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và hướng tới tham gia những công đoạn cao nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại.

Không gian đô thị cũng phát triển theo hướng hình thành đô thị vùng, toàn bộ hệ thống giao thông sẽ kết nối vùng làm nền tảng hình thành vùng đô thị như nhiều nơi trên thế giới.

TS Trần Du Lịch cũng nhìn nhận việc thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ sẽ biến ước mơ phát triển vùng thành hiện thực.

Toàn cảnh hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Toàn cảnh hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo TS Trần Du Lịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 154 triển khai thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, trong đó TP.HCM có 5-6 dự án lớn cần triển khai trong năm 2023,

Ông đề nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, trong nhiệm vụ đã được phân công trình Chính phủ các dự án trong năm 2023. Đồng thời, Hội đồng Điều phối vùng phải theo dõi, điều phối, đôn đốc, hỗ trợ triển khai các dự án đã phân công.

TS Trần Du Lịch cho rằng vần đề “rất gấp” là cần sớm có quy hoạch vùng. Theo ông, hiện các địa phương trong vùng đang quy hoạch kinh tế - xã hội, thì Hội đồng Điều phối vùng phải tính toán các quy hoạch địa phương nằm trong tổng thể định hướng quy hoạch vùng, trong đó phải đề ra tiểu vùng trung tâm gồm TP.HCM, phía Nam tỉnh Bình Dương, phía Tây Nam tỉnh Đồng Nai. Tiểu vùng này phải có quy hoạch tổng thể.

Về chính sách phát triển giao thông, ông cho biết Nghị quyết 98 đưa ra mô hình rất mới là mô hình TOD kết nối đô thị, dân cư với giao thông.

“Tôi đề nghị, nếu được thì áp dụng mô hình TOD cho hệ thống giao thông của vùng hiện đang làm, kể cả đường sắt” – TS Lịch nói và gợi ý dự án Vành đai 3 qua Bình Dương có thể chuyển từ công nghiệp sang đô thị, logictics, tận dụng TOD để phát triển.

"Nếu làm tốt mô hình TOD thì quỹ đất đô thị hoá là con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách và thu từ đó để làm đường, tức từ quỹ đất đô thị hoá có thể phát triển giao thông là cách làm hiệu quả mà không phụ thuộc lớn vào ngân sách"- ông nói.

Cũng theo TS Trần Du Lịch, Nghị quyết 24 có nêu vấn đề mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng ở năm lĩnh vực mà những cơ chế này đã có trong Nghị quyết 98. Do đó, ông đề nghị những nội dung nào mở rộng được cho các địa phương trong vùng thì vận dụng Nghị quyết 98 để mở rộng phân cấp, phân quyền trên năm lĩnh vực cho các địa phương mà không cần phải nghiên cứu thêm.

Đáng chú ý, TS Trần Du Lịch đề xuất cần có nghị quyết riêng về Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM vì đây là vấn đề của quốc gia, đã đi vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chứ không phải vấn đề riêng của TP.HCM.

Về xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ông cho rằng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và cảng Cái Mép - Thị Vải nằm đối diện nhau, cùng trên sông Thị Vải. “Cần có tư duy kết hợp hai cảng này thành một cửa ngõ quốc tế, không đối chọi, cạnh tranh nhau” – TS Lịch nói.

“Cái Mép và Cần Giờ trong tương lai phối hợp thành cửa ngõ của Đông Nam Á được không?”- TS Lịch đặt vấn đề và cho rằng đây vừa là cửa ngõ chung của vùng Đông Nam Bộ nhưng cần nâng tầm lên thành cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á.

TS Trần Du Lịch cũng bày tỏ tin tưởng với các cơ chế theo Nghị quyết 154 được chuẩn bị từ đây đến năm 2025, hoàn toàn tạo điều kiện cho vùng Đông Nam Bộ có thể tăng trưởng hai con số từ năm 2026 đến năm 2035.

Trao đổi lại TS Trần Du Lịch, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết ý tưởng mở rộng các cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 98 cho TP.HCM để thực hiện cho các tỉnh vùng Đông Nam Bộ là ý tưởng mới, mạnh mẽ, cần nghiên cứu báo cáo Quốc hội.

Ông Dũng cho biết hiện Bộ KH&ĐT cũng đang nghiên cứu cơ chế, chính sách cho cả vùng Đông Nam Bộ.

Áp dụng TOD cho tuyến Metro số 1 kết nối TP.HCM - Bình Dương

Tại hội nghị, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đã đề cập đến đề xuất thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng.

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo TS Vũ, Quỹ phát triển hạ tầng nên là cơ chế do Thủ tướng Chính phủ thành lập và trực thuộc Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ để đủ sức mạnh huy động các nguồn lực tài chính vào các dự án hạ tầng.

Quỹ cần cơ chế huy động nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau như nguồn lực nhà nước, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, ODA, đầu tư tư nhân....

TS Vũ cho biết Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM sử dụng ngân sách TP cho phát triển dự án vùng và liên vùng. Theo ông, trước mắt có thể áp dụng cơ chế này cho vùng Đông Nam Bộ, những tỉnh có giao thông liên vùng kết nối với TP.HCM như dự án Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài... mà đây là những dự án quan trọng cần ngân sách địa phương.

Song song đó, mô hình TOD có thể áp dụng cho thực hiện tuyến Metro số 1 kết nối TP.HCM - Bình Dương. “Nếu TP.HCM được áp dụng cơ chế TOD thì Bình Dương cũng có thể, đây là nguồn lực tài chính mạnh mẽ có thể ứng dụng làm liền” – TS Vũ nói.

Ông cũng nhìn nhận Nghị quyết 98 có nội dung thu hút nhà đầu tư chiến lược với các dự án trên 30.000 tỉ đồng mà có thể áp dụng nội dung này để hình thành trung tâm chuyển đổi xanh về giao thông, trung tâm chuyển đổi số phục vụ logictics của vùng, trung tâm nghiên cứu sáng tạo… phục vụ phát triển giao thông vùng.

Đáng chú ý, việc huy động 20 tỉ USD từ trái phiếu cho phát triển hạ tầng giao thông của vùng cũng cần gắn kết với việc hình thành đề án Trung tâm Tài chính quốc tế và xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số giúp TP.HCM phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm