Từ 1-1-2016, tòa không thụ lý đơn kiện của cơ quan BHXH

Rất nhiều vụ các tòa đã tuyên buộc doanh nghiệp phải nộp BHXH, bảo hiểm y tế còn nợ cho cơ quan BHXH để chi trả cho người lao động. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới của TAND Tối cao, từ ngày 1-1-2016, các tòa án sẽ không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH nữa.

Cụ thể, ngày 14-4, TAND Tối cao đã có Công văn số 105 yêu cầu TAND các cấp triển khai, quán triệt một số quy định của Luật BHXH 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, trừ các quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 2 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) và pháp luật liên quan đến lĩnh vực BHXH để bảo đảm thực hiện thống nhất.

Theo TAND Tối cao, quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 Luật BHXH 2014 đã nêu người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia BHXH bắt buộc. Các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp là những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 17 Luật BHXH 2014.

Theo khoản 9 Điều 22 Luật BHXH 2014 thì cơ quan BHXH có quyền: Xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Như vậy, kể từ ngày Luật BHXH 2014 có hiệu lực, tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1-1-2016 mà chưa giải quyết thì tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Xử lý vi phạm hành chính để giải quyết.

Công văn số 105 của TAND Tối cao còn hướng dẫn các quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp BHXH giữa người lao động và tập thể người lao động với người sử dụng lao động; thẩm quyền giải quyết tranh chấp BHXH giữa người lao động, người sử dụng lao động với cơ quan BHXH (phân biệt các trường hợp thụ lý giải quyết bằng vụ án lao động, vụ án hành chính)... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm