Những năm trước đại dịch COVID-19, Malaysia là một trong những nước mà tôi có dấu xuất - nhập cảnh nhiều nhất trên cuốn hộ chiếu màu xanh lá của mình. Một phần tôi đến đây để du lịch, để chờ chuyển chuyến bay (transit, transfer). Một phần nữa là tôi bị nghiện món ăn nasi lemak - thứ đặc sản của Malaysia, được bán trên cả tàu bay của hãng AirAsia (các chuyến bay mang mã AK).
Nasi lemak, trong đó nasi là gạo, lemak là béo, có sự kết hợp giữa gạo đặc sản nấu với nước cốt dừa. Món cơm có vị ngọt béo này thường được ăn cùng món gà chiên (ayam goreng), đậu phộng và cá cơm khô. Một số chỗ có thêm tương ớt đặc trưng. Nó thường được gọi kèm món nước teh tarik - trà đen nấu với sữa đặc.
Nasi lemak bán rộng rãi trên khắp đất nước, từ hàng quán bình dân đến cả nhà hàng cao cấp. Quán tôi hay ăn mỗi khi lui tới Kuala Lumpur nằm gần nhà ga trung tâm KL Sentral.
|
Đĩa cơm nasi lemak phục vụ với món trà teh tarik. Ảnh: DY KHOA |
Điều lạ là trong 7 năm tôi ghé quán quen thì món cơm gà có biến động giá rất ít. Và xuyên suốt 4 năm gần đây, nasi lemak không tăng giá. Tôi trở lại Kuala Lumpur hồi cuối tháng 6, giá giữ nguyên cho phần cơm và ly teh tarik là 10 ringgit (khoảng 55.000 đồng). Và so với thời điểm 7 năm trước chỉ tăng khoảng 1-2 ringgit (5.500-11.000 đồng).
Bên cạnh các yếu tố thế mạnh như ưu thế vườn dừa trái, ngành công nghiệp chăn nuôi phát triển mạnh mẽ thì để làm được việc này chính sách kiểm soát và hỗ trợ thị trường của Chính phủ liên bang có tác động rất lớn.
Gà là món ăn đặc biệt phổ biến tại một quốc gia có đa số dân cư theo đạo Islam. Những người bạn Malaysia còn đùa rằng việc để giá gà tăng đến mất kiểm soát có thể làm lung lay ghế của một số lãnh đạo. Trong xu hướng "mọi thứ đều tăng" thì chính phủ nước này đã áp dụng chính sách giá trần cho mặt hàng này.
Giá trần vào khoảng 9 ringgit/kg (49.500 đồng). Đồng thời cũng ban hành ngay lệnh cấm xuất khẩu. Động thái cấm xuất khẩu gà đã tác động đến Singapore - quốc gia láng giềng ưa thích món gà trong khẩu phần hằng ngày.
Mức lạm phát của Malaysia chỉ khoảng 2,3% (số liệu tháng 4), thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Con số được xem là đáng mơ ước này một phần cũng đến từ chính sách trợ giá xăng dầu và các loại nhiên liệu trọng yếu của toàn bộ nền kinh tế.
Thời điểm tôi qua thăm lại Kuala Lumpur thì mọi người ở Việt Nam bàn tán về giá xăng trong nước tăng. Giá xăng tại Malaysia cũng tăng nhưng chỉ tăng 0,01 ringgit/lít (55 đồng) cho mác xăng RON 97, riêng mác RON 95 giữ nguyên 2,05 ringgit/lít (11.275 đồng) từ kỳ điều chỉnh đầu tháng 3/2021.
Đồng nghĩa hơn một năm qua, người dân Malaysia không biết tăng giá xăng là gì. Ở các kỳ điều chỉnh trước đó, giá xăng biến động lên xuống chưa đến 500 đồng!
Năm 2021, Malaysia đã chi 11 tỷ ringgit (2,51 tỷ USD) để trợ cấp giá xăng dầu.
Hồi giữa tháng 6, Chính phủ Malaysia vẫn khẳng định sẽ áp dụng chính sách trợ cấp nhiên liệu cho người dân. Số tiền trợ cấp cho năm 2022 vào khoảng 70 tỷ ringgit (15,9 tỷ USD), trong đó trợ cấp nhiên liệu sẽ đạt 30 tỷ ringgit.
Trợ cấp này dành cho tất cả đối tượng là công dân Malaysia, dù tôi đi ô tô hay bạn đi xe máy cũng được áp dụng mức này. Nếu không thuộc đối tượng trợ cấp sẽ đổ xăng RON 97. Giá RON 97 cập nhật lúc 3 giờ sáng giờ Hà Nội là 4,84 ringgit/lít (26.620 đồng); hơn gấp đôi so với mác RON 95 được trợ cấp đặc biệt.
|
Hồi giữa tháng 6, Chính phủ Malaysia vẫn khẳng định sẽ áp dụng chính sách trợ cấp nhiên liệu cho người dân. Ảnh: DY KHOA. |
Để áp dụng toàn bộ chính sách này cho Việt Nam thì còn khập khiễng bởi quy mô hai nền kinh tế rất khác biệt. Dân số Malaysia là 32,37 triệu dân, bằng 1/3 dân số Việt Nam. Như vậy, phỏng đoán tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của nước này thấp hơn nước ta.
So sánh về GDP, GDP Malaysia năm 2021 đạt 359 tỷ USD, gấp 1,3 lần Việt Nam. Hai yếu tố này rõ ràng rất sáng sủa để Chính phủ Malaysia mạnh mẽ khẳng định tiếp tục thực hiện các hoạt động trợ cấp cho giá xăng dầu.
Bão giá và lạm phát lương thực đang càn quét khắp Châu Á. Ở nước ta, nhiều người đang phải thắt chặt chi tiêu trước tình hình giá xăng đang ở mức cao.
Sáng 6-7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500-700 đồng với dầu; yêu cầu áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh ngày 11-7 tới đây.
Với những điều chỉnh này, giá xăng trong nước được kỳ vọng sẽ sớm giảm giá. Việc này được kỳ vọng sẽ kiềm hãm mức độ lạm phát tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn xa hơn, nước ta cũng cần có một hệ thống kiểm soát giá tốt và kịp thời với diễn biến thị trường.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả - một người làm trong lĩnh vực truyền thông tại TP HCM.