Tự dưng ôm đống nợ

Hàng chục hộ dân ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đang đứng trước nguy cơ ra đường ở nếu bị ngân hàng phát mại tài sản để thu hồi nợ. Lý do là trước đó họ đã giao giấy đỏ của mình cho công ty tư nhân ở địa phương để vay 5-10 triệu đồng. Sau đó công ty này dùng giấy đỏ của họ thế chấp cho ngân hàng, vay hàng chục tỉ đồng.

Gom giấy để thế chấp cho ngân hàng

Theo người dân, năm 2007-2010, Công ty TNHH NHA hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại địa phương do vợ chồng bà NHA và ông HVT làm giám đốc rỉ tai là cho dân vay tiền bằng với lãi suất ngân hàng. Nếu người dân có nhu cầu vay tiền thì chỉ cần giao giấy đỏ và viết giấy ủy quyền cho công ty trên là được. Sau đó bà A. sẽ cho người đến tận nhà đưa một số giấy tờ cho người dân ký vào, giao lại hồ sơ và giấy đỏ còn mọi thủ tục khác bà A. sẽ lo. Chỉ một ngày sau khi giao giấy đỏ là người dân nhận tiền.

Do thủ tục đơn giản, lãi suất vay thấp nên từ năm 2008 đến 2010, có 36 hộ dân ở xã Phú Lý đã giao 42 giấy đỏ cho hai vợ chồng bà A. để vay khoảng 1,2 tỉ đồng với thời hạn ba năm.

Cuối năm 2010, người dân phát hiện toàn bộ giấy đỏ của họ đã bị hai vợ chồng này thế chấp cho Ngân hàng HTX Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai (trước đây gọi là Quỹ tín dụng nhân dân Chi nhánh Đồng Nai) để vay 17 tỉ đồng, cao hơn chục lần so với số tiền những người dân đã vay từ vợ chồng bà A. Khi người dân kéo đến trụ sở công ty đòi lại giấy đỏ, vợ chồng bà A. hứa sẽ nhanh chóng trả giấy đỏ cho họ nhưng sau đó im luôn.

Đến năm 2011, Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc và người dân tiếp tục đến trụ sở công ty đòi giấy đỏ. Lúc này bà A. bảo người dân phải chờ công an giải quyết vụ việc mới trả lại giấy tờ. Một thời gian sau đó vợ chồng bà A. bán dần các tài sản trên xã Phú Lý và chuyển chỗ ở mới. Cách đây một tháng bà A. bán cây xăng với số tiền khá lớn, dân đến đòi nhưng bà A. tiếp tục khất.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Luân lo lắng vì thế chấp giấy đỏ cho bà A. vay 10 triệu đồng, giờ ngân hàng báo là họ đang nợ 200 triệu đồng. Ảnh: TD

Nguy cơ trắng tay

Ông Nguyễn Văn Luân ở ấp 4 thở dài: “Tôi vay để đầu tư vườn xoài vì thủ tục vay ngân hàng rất phức tạp mà với giấy đỏ của chúng tôi thì vay ngân hàng chỉ được một vài triệu đồng là cùng. Thủ tục vay ở bà A. nhanh gọn, một ngày là có tiền mà lãi suất chỉ 1,25%-1,3% tương đương ngân hàng nên chúng tôi mới vay 10 triệu đồng. Tuy nhiên, giờ ngân hàng thông báo tôi nợ trên 200 triệu đồng. Tôi có bán hết vườn tược cũng chưa đủ 200 triệu đồng để trả nợ”.

Còn ông Nguyễn Văn Thăm ngán ngẩm: “Gia đình tôi nghèo, nhà bị mối mọt, mục nát hết nên vay của bà A. 20 triệu đồng để đầu tư vào vườn xoài và mổ tim cho vợ. Giờ tự dưng tôi nợ tới 350 triệu đồng. Số nợ lớn như thế chúng tôi lo lắm”.

Còn bà Hồ Thị Ngờ cho biết: “Gia đình làm rẫy mướn nên khi nghe bà con bảo đi vay tiền bà A. dễ, lãi thấp nên tôi vay 7 triệu đồng. Trúng mùa mì, tôi đi ra trả tiền để lấy giấy đỏ về thì nghe là bà A. vỡ nợ, bỏ đi đâu rồi... Tôi chẳng biết chữ, chỉ biết ký tên thôi nên bà A. bảo sao làm vậy. Giờ thấy người ta không trả giấy cho mình nên chỉ biết kêu cứu chứ không biết làm sao nữa”.

Ông Nguyễn Đình Chính là người vay bà A. số tiền nhiều nhất, nói: “Khi đó gia đình tôi nợ ngân hàng phát triển nông thôn 100 triệu đồng. Bà A. đến bảo cho bà mượn giấy đỏ một năm, bà sẽ trả tiền ở ngân hàng cho tôi. Giờ giấy đỏ của tôi đang nằm ở quỹ tín dụng để đảm bảo cho khoản vay đến gần 1 tỉ đồng…”.

Công an đang làm rõ

Trao đổi với chúng tôi, bà A. cho rằng bà chỉ giúp dân vay tiền. Về số tiền mà bà đã thế chấp giấy đỏ của người dân cho ngân hàng để vay chênh lệch rất lớn so với số tiền thực tế người dân đã vay của bà, bà A. cho rằng do ngân hàng ghi thêm.

Đại diện UBND xã Phú Lý thông tin: “Khi người dân lên xã ký giấy ủy quyền, giao giấy đỏ cho công ty của vợ chồng bà A., xã đã cảnh báo, mời Trung tâm Trợ giúp pháp lý về địa phương tư vấn cho bà con về các nguy cơ. Tuy nhiên, người dân vẫn làm. Sau khi phát hiện giấy đỏ của họ bị thế chấp để vay hàng chục tỉ đồng, bà con có cầu cứu cơ quan chức năng. Vào năm 2011, Công an tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc nhưng đến giờ vẫn chưa có kết luận khiến người dân lo lắng, bức xúc” - đại diện UBND xã Phú Lý nói.

TIẾN DŨNG

 

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết vụ việc rất phức tạp, liên quan đến nhiều mối quan hệ tranh chấp đó là tranh chấp giữa công ty vợ chồng bà A. với ngân hàng và giữa vợ chồng bà A. với người dân. Hiện Công an tỉnh Đồng Nai đang xác minh thu thập chứng cứ, xác định thiệt hại và sớm làm rõ vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm