Năm 2016, khi tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, họ đã có lời cam kết sẽ ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Mới đây, tại Hội nghị và Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, diễn vào tháng 11-2018 tại Hà Nội, Central Group Việt Nam đã giới thiệu các chương trình “Sinh kế Cộng đồng”, “Hỗ trợ Doanh Nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ”…, một lần nữa, tập đoàn nay cam kết ưu tiên sự có mặt hàng Việt tại hệ thống siêu thị Big C.
Song, thật ngậm ngùi khi tối ngày 2-7 vừa qua, Central Group thông báo sẽ tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam.
Khi bị các doanh nghiệp may mặc Việt Nam phản ứng vì bị cắt hàng đột ngột mà không hề nhận được thông báo trước, tập đoàn này cho biết họ đang phát triển các thương hiệu mới trong chuỗi bán lẻ của mình, trong đó có ngành hàng may mặc. Theo đó, việc tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam luôn được Big C ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch.
Nếu Central Group thật sự hoạch định lại nguồn cung ứng hàng may mặc tại hệ thống siêu thị của mình, thì họ cần phải tổ chức những cuộc đàm phán, gặp gỡ với các đối tác Việt Nam từ nhiều tháng trước. Một thông báo bất chợt như những gì họ đã làm vào tối 2-7 của Central Group, đã khiến các doanh nghiệp may mặc Việt điêu đứng và không ít các doanh nghiệp khác đang cung ứng hàng hóa cho hệ thống siêu thị này lo ngại.
Các nhà cung ứng căng băng rôn phản đối thông báo ngừng nhập hàng dệt may Việt của Central Group. Ảnh: Thu Hà.
Trong cuộc họp ba bên giữa Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Hiệp hội Dệt may Việt Nam và lãnh đạo siêu thị Big C nhằm làm rõ việc siêu thị này dừng nhập hàng doanh nghiệp dệt may Việt Nam vào sáng 4-7, tập đoàn Central Group cam kết trong 15 ngày tới sẽ mở lại đơn hàng cho 150 nhà cung cấp hàng dệt may. Đây là một tin vui cho doanh nghiệp may mặc Việt đang trực tiếp bị ảnh hưởng quyền lợi.
Tuy nhiện thật đáng lo ngại, khi Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định không có quy định nào về tỉ lệ hàng Việt tại hệ thống siêu thị của các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam.
Trong những lần mua sắm tại Big C, tôi thấy các sản phẩm "Made in Thailand" độc chiếm những vị trí đẹp nhất. Các loại bia, nước ngọt, gạo, giày dép xuất xứ Thái Lan được đặt ở ngay lối ra vào, thậm chí còn được trưng bày trên những kệ riêng biệt, sát quầy tính tiền, dễ thu hút khách hàng quan tâm, mua sắm. Và điều này là tình hình chung cho những hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ đang bị các các ông lớn nước ngoài thâu tóm. Vậy còn vị trí nào cho những sản phẩm Việt? Chúng ta có cơ chế nào để bảo vệ cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Nên chăng, chúng ta cần tạo lập một hành lang pháp lý vững chắc với những quy định bắt buộc các chủ đầu tư nước ngoài phải thực hiện cam kết duy trì tỉ lệ hàng Việt tại hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong suốt thời gian hoạt động tại Việt Nam.
Mặc khác, cơ quan chức năng tập trung hỗ trợ các tập đoàn bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ cùng các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Là người tiêu dùng, tôi mong các ngành chức năng đừng để hàng Việt có chất lượng tốt lại bị thua ngay trên sân nhà!