Từ vụ cân gian hải sản ở Mũi Né: Bán hàng thiếu, bị xử lý sao?

Ngày 11-1, PLOđã có bản tin: Thu 6 chiếc cân gian bán hải sản ở Làng chài Mũi Né” phản ánh về hành vi cân thiếu ký khi bán hải sản xảy ra tại làng chài Mũi Né.

Theo đó, vào sáng 10-1, UBND TP Phan Thiết đã thành lập đoàn kiểm tra sau các phản ánh của du khách và báo chí. Qua kiểm tra 19 chiếc cân của 15 hộ kinh doanh, buôn bán hải sản tại khu vực Làng chài Mũi Né, đoàn phát hiện 13 chiếc cân sai lệch số ký thực.

Đoàn kiểm tra đang kiểm tra, đối chiếu các cân bán hải sản. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Sau khi bản tin được đăng tải, PLO đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc về hành vi gian dối như tr6n thì sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?

Trao đổi với PV, Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, đã có phần giải đáp các thắc mắc trên của bạn đọc.

Theo LS Hậu, Luật Đo lường 2011 nghiêm cấm các hành vi lợi dụng việc đo lường để gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cố ý làm sai lệch phương tiện đo, kết quả đo.

Về xử lý hành chính:

Khoản 2 Điều 14 Nghị định 119/2017, mức phạt tiền đối với vi phạm về phép đo trong mua, bán hàng hóa được quy định như sau:

- Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất hợp pháp có được đến 10 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 10 – 50 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 50 – 100 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 100 – 200 triệu đồng.

- Phạt tiền từ gấp một lần đến gấp hai lần số tiền thu lợi bất hợp pháp có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 200 – 300 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 2 - 3 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 300 – 400 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 3 - 4 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ trên 400 – 500 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 4 - 5 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất hợp pháp có được trên 500 triệu đồng.

Đây là mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm. Cá nhân vi phạm các hành vi tương tự thì chịu mức phạt bằng một nửa mức phạt của tổ chức.

Về xử lý hình sự:

Hành vi cân điêu, cân thiếu, gian lận trong cân đo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng.

Cụ thể Điều 198 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 nêu rõ, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:

-Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Thu lợi bất chính từ 5 triệu đến dưới 50 triệu đồng.

Trường hợp người phạm tội có tính chuyên nghiệp, có tính gian xảo, phạm tội có tổ chức hoặc thu lợi bất chính từ 50 trở lên thì bị phạt tiền từ 100 – 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Người dân khi phát hiện cửa hàng, tổ chức kinh doanh có hành vi gian lận trong cân đo thì có thể trình báo cho cơ quan có thẩm quyền như: Cục Quản lý thị trường, UBND, công an… nơi có trụ sở của cửa hàng, tổ chức vi phạm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới