Từ vụ Diên Khánh: Khi nào được đổi tên 1 địa danh?

(PLO)- Từ việc thị trấn Diên Khánh bị đổi tên, nhiều người dân bày tỏ thắc mắc khi nào thì được đổi tên một đơn vị hành chính?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi có thông tin thị trấn Diên Khánh sẽ được đổi tên thành phường Phú Thành, nhiều người dân bày tỏ sự không đồng tình. Bởi cái tên Diên Khánh đã in sâu vào ký ức của người dân, đồng thời nơi đây còn có thành cổ Diên Khánh với tuổi đời lên đến hơn 200 năm.

Đổi tên phải phù hợp với yếu tố lịch sử

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 25-3, UBND huyện Diên Khánh vừa có thông báo kết luận của chủ tịch UBND huyện này về việc thống nhất tên gọi mới một số đơn vị hành chính trực thuộc sau khi sáp nhập.

Theo đó, hai xã Diên Đồng và Diên Xuân sau khi sáp nhập sẽ có tên mới là xã Đồng Xuân. Còn thị trấn Diên Khánh khi trở thành phường sẽ có tên là phường Phú Thành.

Nhiều ý kiến cho rằng việc đổi tên địa danh Diên Khánh là chưa hợp lý và xóa bỏ một tên gọi đã có từ hàng trăm năm, gắn liền với văn hóa, lịch sử của vùng đất này.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Chí Vương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa, cho hay: “Tôi chỉ mới xem văn bản của UBND huyện Diên Khánh qua một số kênh chứ chưa tiếp nhận văn bản báo cáo chính thức. Cái này mới chỉ là thông báo kết luận của UBND huyện về cuộc họp liên quan nội dung sáp nhập. Còn muốn đổi tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện thì phải làm đúng quy trình. Tức phải thông qua HĐND cấp xã đến HĐND cấp huyện rồi trình lên HĐND cấp tỉnh họp, xem xét thông qua”.

Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho biết trước khi tên gọi hành chính được trình cơ quan chức năng thông qua còn phải lấy ý kiến của người dân sở tại một cách công khai. Ngoài ra, muốn đổi tên phải nghiên cứu một cách khoa học trên cơ sở chính trị, văn hóa, lịch sử… theo nguyên tắc đặt tên trong đề án sáp nhập.

Diên Khánh
Diên Khánh có bề dày lịch sử, văn hóa hàng trăm năm. Ảnh: XUÂN HOÁT

Vậy theo quy định pháp luật thì khi nào được đổi tên một đơn vị hành chính? Căn cứ Điều 6 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.

Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau khi sắp xếp.

Theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Diên Khánh được xác định là một trong những trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái nhân văn và sinh thái nông nghiệp của tỉnh.

Giải thích vì sao đổi tên thị trấn Diên Khánh thành Phú Thành, ông Lại Văn Tài, Chánh Văn phòng UBND huyện Diên Khánh, cho biết đây là ý kiến thống nhất của các thành viên trong cuộc họp ngày 25-3. Tại cuộc họp này có chủ tịch, phó chủ tịch huyện và chủ tịch, phó chủ tịch thị trấn Diên Khánh đều thống nhất với tên gọi mới.

Nhiều người cho rằng khi đổi tên phải lấy ý kiến của người dân, huyện đã thực hiện chưa? Trả lời câu hỏi trên, ông Tài cho biết cuộc họp mới là bước đầu để lấy ý kiến thống nhất làm tờ trình trình Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét đối với các tên gọi nêu trên, sau đó sẽ thực hiện các bước theo quy trình. Hiện chưa lấy ý kiến của người dân.

Nên giữ nguyên tên Diên Khánh

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Văn Nghệ không đồng ý với việc đổi tên thị trấn Diên Khánh thành Phú Thành.

“Dưới góc độ lịch sử, cần phải duy trì tên gọi Diên Khánh, không thể bỏ được” - nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Văn Nghệ khẳng định.

Khi đề cập đến việc có cần thiết phải đổi tên hay không, ông Nghệ nói: “Cái tên này đã gắn liền với con người Diên Khánh từ lâu rồi. Bây giờ đặt tên Phú Thành nghe không ăn nhập gì hết. Cứ để nguyên thị xã Diên Khánh và phường Diên Khánh, chả sao hết”.

Theo ông Nghệ, ngày xưa mỗi lần triều đình đặt tên cho một vùng đất không đơn giản muốn đặt tên gì là đặt ngay. Lúc đó, cả một bộ máy nghiên cứu rất kỹ về vùng đất, con người nơi đó ra sao rồi phải kết hợp tất cả lại để đặt cho ra một cái tên. Tên gọi Diên Khánh đã được ông cha ta nghiên cứu, đặt tên để gắn liền với vùng đất này và nó sẽ mãi mãi đi liền với con người ở vùng đất Diên Khánh này.

“Nếu chiết tự ra, chữ “Khánh” có nghĩa là vui mừng, còn chữ “Diên” có nghĩa là kéo dài niềm vui đó” - nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Văn Nghệ phân tích.

Theo ông Nghệ, khi nâng lên thành thị xã thì tên gọi Diên Khánh nó đã, đang và sẽ gắn liền với bao đời người dân nơi đây.

“Giờ đặt tên mới cho đơn vị hành chính nơi đây, người dân Diên Khánh sẽ là người hụt hẫng đầu tiên. Tâm tư con người Diên Khánh sẽ hụt hẫng, rồi hàng loạt câu hỏi vì sao Diên Khánh đẹp như vậy mà lại đi đổi thành một cái tên không ăn nhập gì với vùng đất này. Cả đất nước Việt Nam này, chỉ cần nói hai chữ Diên Khánh ai cũng biết nó ở đâu, gắn liền với cái gì, chứ nói Phú Thành ai cũng ngớ người, không biết nó ở đâu ra” - ông Nghệ chia sẻ.

Tên gọi Diên Khánh từ đâu mà có?

Diên Khánh trước kia là vùng đất của phủ Diên Ninh thuộc dinh Thái Khang. Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi tên phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh. Lúc đó, huyện Phước Điền (huyện Diên Khánh sau này) thuộc phủ Diên Khánh.

Năm 1832, trấn Bình Hòa đổi thành tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa có hai phủ và bốn huyện. Phủ Diên Khánh gồm hai huyện Phước Điền và Vĩnh Xương.

Sau khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa có hai phủ là Ninh Hòa, Diên Khánh và hai huyện là Vạn Ninh, Vĩnh Xương.

Phủ Diên Khánh có ba tổng, gồm tổng Trung Châu (bắc sông Cái), tổng Vĩnh Phước (tây nam sông Cái), tổng Ninh Phước (đông nam sông Cái).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm