Vụ đổi tên thị trấn Diên Khánh: Làm chưa đúng sẽ phải giải trình

(PLO)- "UBND huyện Diên Khánh chưa có báo cáo, tuy nhiên nếu quy trình sáp nhập, đổi tên thực hiện chưa đúng, chưa đủ hoặc chưa phù hợp tỉnh sẽ yêu cầu giải trình" - lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nói.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-3, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã nắm thông tin về việc UBND huyện đang làm tờ trình trình cơ quan chức năng về việc thống nhất đổi tên gọi sau khi sáp nhập xã và tên gọi mới của thị trấn Diên Khánh.

"UBND huyện Diên Khánh chưa có báo cáo, tuy nhiên nếu quy trình sáp nhập, đổi tên thực hiện chưa đúng, chưa đủ hoặc chưa phù hợp tỉnh sẽ yêu cầu giải trình" - lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nói.

Đổi tên phải trên cơ sở văn hóa, lịch sử

Còn ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo quy trình, UBND huyện Diên Khánh phải báo cáo UBND tỉnh về công tác trên theo đúng quy định.

“Hiện, huyện Diên Khánh mới họp, thủ tục phải trình qua tỉnh khi sắp xếp đơn vị hành chính”, ông Hà thông tin.

Vụ đổi tên thị trấn Diên Khánh
Diên Khánh có bề dày lịch sử, văn hóa hàng trăm năm. Ảnh: XUÂN HOÁT

Liên quan vụ việc trên, trao đổi với PLO, ông Võ Chí Vương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa, cho biết cũng mới xem văn bản của UBND huyện Diên Khánh qua một số kênh, chứ chưa tiếp nhận văn báo báo cáo chính thức.

“Cái này mới chỉ là thông báo kết luận của UBND huyện về cuộc họp liên quan nội dung sáp nhập. Còn muốn đổi tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện thì phải làm đúng quy trình. Tức phải thông qua HĐND cấp xã đến HĐND cấp huyện rồi trình lên HĐND cấp tỉnh họp, xem xét thông qua”, ông Vương phân tích.

Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho biết trước khi tên gọi hành chính được trình cơ quan chức năng thông qua còn phải lấy ý kiến người dân sở tại.

“Huyện Diên Khánh phải lấy ý kiến người dân một cách công khai. Ngoài ra, muốn đổi tên phải nghiên cứu một cách khoa học trên cơ sở chính trị, văn hóa, lịch sử… theo nguyên tắc đặt tên trong đề án sáp nhập”, ông Vương cho biết.

Như PLO đã thông tin, ngày 25-3, UBND huyện Diên Khánh vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện này về việc thống nhất tên gọi mới một số đơn vị hành chính trực thuộc sau sáp nhập.

Theo đó, hai xã Diên Đồng và Diên Xuân sau sáp nhập sẽ có tên mới là xã Đồng Xuân. Còn tên gọi thị trấn Diên Khánh khi trở thành phường sẽ thành phường Phú Thành.

2.jpg
Bảng ghi chứng tích và lịch sử xây thành cổ Diên Khánh. Ảnh: XUÂN HOÁT

Ngay sau đó thông tin này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đa phần người dân đều tỏ ra bất ngờ với việc đổi tên trên, trong đó không ít ý kiến cho rằng tên gọi Phú Thành nghe rất lạ và không có ý nghĩa đối với mảnh đất Diên Khánh.

Về việc từ đâu có tên gọi mới Phú Thành, đại diện Văn phòng UBND huyện Diên Khánh cho biết đây là ý kiến thống nhất của các thành viên trong cuộc họp ngày 25-3. Tại cuộc họp này có chủ tịch, phó chủ tịch huyện và chủ tịch, phó chủ tịch thị trấn Diên Khánh đều thống nhất với tên gọi mới.

Chiều cùng ngày, trả lời về việc UBND huyện vừa có tờ trình về đổi tên thị trấn Diên Khánh Việc này HĐND huyện đã được báo cáo hay xin ý kiến chủ trương thông qua? Ông Trần Văn Kính, Chủ tịch HĐND huyện Diên Khánh, nói: "Việc đổi tên thị trấn Diên Khánh là chưa chính thức. UBND huyện chưa đưa ra HĐND huyện, chưa có gì".

Diên Khánh - lịch sử 282 năm hình thành

Ngày 30-9-1981, thị trấn Diên Khánh được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của xã Diên Thủy và một phần diện tích, dân số của các xã Diên Toàn, Diên Thạnh, Diên An, Diên Sơn và Diên Điền.

Ngày 22-9-2010, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 854 về việc công nhận thị trấn Diên Khánh là đô thị loại IV.

Ngày 7-12-2022, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định cho chủ trương, giao UBND huyện Diên Khánh xây dựng đề án thành lập thị xã Diên Khánh và các phường thuộc thị xã Diên Khánh, trên cơ sở nguyên trạng về diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện, của thị trấn Diên Khánh và chín xã, gồm: Diên Thạnh, Diên Phú, Diên Lạc, Diên Phước, Diên Toàn, Diên An, Diên Sơn, Diên Điền, Suối Hiệp.

Hiện tại huyện Diên Khánh đã trình UBND tỉnh phê duyệt đề cương và dự toán xây dựng đề án trên.

Dân số huyện Diên Khánh hiện hơn 145.000 người; diện tích tự nhiên rộng hơn 343 km2.

A1-thanhcoDienKhanh.jpg
Một góc trung tâm thị trấn Diên Khánh. Ảnh: XUÂN HOÁT

Huyện Diên Khánh có 18 đơn vị hành chính trực thuộc; khi lên thị xã sẽ thành lập 10 phường để đáp ứng quy định, gồm các địa phương: thị trấn Diên Khánh, Diên An, Diên Toàn, Diên Thạnh, Diên Lạc, Diên Phú, Diên Phước, Suối Hiệp, Diên Sơn và Diên Điền.

Theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Diên Khánh được xác định là một trong những trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái nhân văn và sinh thái nông nghiệp của tỉnh.

Diên Khánh trước kia là vùng đất của phủ Diên Ninh thuộc dinh Thái Khang. Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh. Lúc đó, huyện Phước Điền (huyện Diên Khánh sau này) thuộc phủ Diên Khánh.

Diên Khánh từng là trung tâm của phủ Diên Khánh xưa kia, sau năm 1945, tỉnh lỵ của Khánh Hòa mới chuyển về TP Nha Trang.

Đổi tên phải phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương

Điều 6 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp như sau.

1. Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.

2. Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm