Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa đưa ra lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Theo NHNN, sau 4 năm thực hiện, Nghị định số 96 đã bộc lộ một số bất cập. như quy định về mức phạt dựa trên hành vi vi phạm chưa phù hợp thực tế, đặc biệt là đối với đối tượng vi phạm là cá nhân (gần đây nhất là vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng gây xôn xao dư luận-PV);
Nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã sửa đổi, bổ sung; Quy định pháp luật về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có sự thay đổi...
Giảm mức phạt đối với mua bán ngoại tệ, vàng miếng trái phép
Theo dự thảo, mức phạt đối với hành vi vi phạm về mua bán ngoại tệ trái phép đã được sửa đổi giảm rất nhiều so với quy định hiện nay. Cụ thể, hành vi việc mua bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ hoặc mua bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng (quy định hiện hành là phạt từ 80 đến 100 triệu đồng).
Cũng tương tự như ngoại tệ, Dự thảo đã sửa đổi mức phạt giảm đáng kể so với nghị định 96 đối với các vi phạm về mua bán vàng miếng. Cụ thể, theo Dự thảo, hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng (quy định hiện hành xử phạt từ 30 đến 60 triệu đồng)..
Bổ sung quy định xử phạt từ 120 đến 200 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm (Nghị định 96 không quy định xử phạt hành vi này).
Dự thảo giữ nguyên mức phạt từ 20 đến 40 triệu đồng đối với các hành vi không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ tại địa điểm giao dịch; Niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết tỷ giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Tuy nhiên, cùng với mức phạt này, Dự thảo đã bổ sung một loạt các hành vi sẽ bị xử phạt trong hoạt động kinh doanh casino về việc niêm yết, thông báo công khai tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam, ngoại tệ với đồng tiền quy ước...
Dự thảo vẫn giữ nguyên mức phạt từ 200 đến 250 triệu đối với các hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ; Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật... Hình phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm trên.
Ảnh minh họa
Đáng chú ý, Dự thảo đã bổ sung quy định mới đối với hành vi thu đổi ngoại tệ không đúng tỉ giá. Cụ thể, bổ sung Điểm e, Khoản 3 Điều 24, phạt tiền từ 40 đến 80 triệu đồng đối với tổ chức tín dụng, đại lý thu đổi ngoại tệ mua, bán ngoại tệ không đúng tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước; thu phí giao dịch ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật.
Mức phạt tương tự cũng được áp dụng đối với các hành vi ủy quyền cho tổ chức kinh tế làm đại lý chi, trả ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật; Khi chưa được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối mà làm đại lý chi, trả ngoại tệ đồng thời cho hai tổ chức kinh tế trở lên...
Một điểm mới tại Dự thảo so với Nghị định 96 nữa là đã bổ sung quy định xử phạt trong việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài. Theo đó, Dự thảo quy định xử phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng đối với hành vi mở, sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài khi chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài; Không thực hiện đúng các nội dung quy định trong Giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân...
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP đã đặc biệt bổ sung rất nhiều các hành vi sẽ bị xử phạt nặng trong thanh toán ngân hàng. Cụ thể, Dự thảo bổ sung quy định định xử phạt từ 50 đến 100 triệu đồng đối với hành vi lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ; tiết lộ và cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ và giao dịch thẻ ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi không thông báo việc lắp đặt, thay đổi địa điểm, thay đổi thời gian hoạt động, chấm dứt hoạt động của máy giao dịch tự động; Không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy giao dịch tự động; Không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định. Ngân hàng không đảm bảo yêu cầu về hạn mức cho một lần rút tiền tại máy giao dịch tự động cũng sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng. |