Từ vụ nhà báo đột quỵ khi tác nghiệp tại World Cup: Làm việc quá sức nguy hiểm thế nào?

(PLO)- Làm việc kiệt sức, căng thẳng nhiều ngày có thể khiến người lao động đối diện với nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng.

Tờ The Gulf Times đưa tin, phóng viên ảnh người Qatar, Khalid al- Misslam đã qua đời đột ngột vào cuối tuần qua khi đang tác nghiệp ở World Cup Qatar 2022. Nguyên nhân tử vong và sức khỏe của al-Misslam trước khi qua đời hiện chưa được công bố.

Đây là nhà báo thứ hai qua đời khi đang tác nghiệp tại World Cup 2022, sau nhà báo nổi tiếng người Mỹ, Grant Wahl.

Trước đó Grant Wahl, đã cảm thấy không khỏe vì liên tục nhiều ngày mất ngủ, căng thẳng khi tác nghiệp hiện trường tại World Cup. Tim Scanlan, người đại diện của Wahl, tiết lộ nhà báo này gặp vấn đề về sức khỏe trước khi đó. “Anh ấy ngủ không ngon. Tôi hỏi Wahl liệu có nên dùng melatonin hay không, anh ấy chỉ nói cần thư giãn là ổn”, Scanlan nói.

Trong tập podcast của Futbol ngày 6-12, Grant Wahl cũng phàn nàn về việc cảm thấy không khỏe sau 3 tuần liền tại Qatar khi mỗi ngày anh chỉ ngủ 5 tiếng và phải xử lí khối lượng công việc cực lớn.

Trước đó, ngày 21-11, kênh ITV Sport có trụ sở tại Anh cho hay giám đốc kỹ thuật Roger Pearce đã qua đời khi có mặt ở Qatar trong đội ngũ đưa tin về World Cup. Nguyên nhân và hoàn cảnh ông tử vong không được công bố.

Làm việc quá sức nguy hiểm ra sao?

Theo tờ Medical NewsToday, vào năm 2019 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại tình trạng kiệt sức là “hiện tượng nghề nghiệp” khi căng thẳng tại nơi làm việc của một người không được quản lý đúng cách. Đặc trưng của nó là người lao động cảm thấy kiệt sức, tiêu cực hoặc yếm thế trong công việc, giảm hiệu quả nghề nghiệp.

Làm việc quá sức gây nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe người lao động. ẢNH: Pexels

Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng làm việc quá sức có thể gây ra tình trạng căng thẳng, từ đó gây áp lực lên sức khỏe, sinh ra nhiều bệnh như tiểu đường, huyết áp, tiêu hóa, thậm chí là gây nguy hiểm tới tính mạng con người.

Bà Iris Waichler, chuyên gia về xã hội lâm sàng cho rằng, căng thẳng do làm việc quá sức làm tăng sản xuất hormone cortisol, từ đó tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ. “Bên cạnh đó căng thẳng gia tăng trên cơ thể cũng có thể gây đau lưng, đau cổ và căng cơ”, bà Iris Waichler chia sẻ.

Bà cũng nói thêm kể cả khi bạn thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh nhưng thời gian ăn, ngủ, nghỉ ngơi ít hơn thời gian phải làm việc thì cũng có thể khiến bạn trở nên căng thẳng, kiệt sức.

Một nghiên cứu năm 2018 phát hiện ngay cả tác nhân gây căng thẳng dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của một người. Do đó, tác động của việc tiếp xúc với căng thẳng mạn tính rất nghiêm trọng.

Làm việc quá sức có nguy hiểm tới tính mạng?

Một câu hỏi được đặt ra liệu tình trạng kiệt sức khi làm việc có gây nguy hiểm tính mạng?

Để trả lời cho câu hỏi này, tờ Medical Newstoday đã dẫn báo cáo của WHO về việc tăng giờ làm trên toàn cầu là một trong những nguyên nhân gây ra cái chết của 745.000 người vì đột quỵ, thiếu máu cục bộ vào năm 2016. Con số này đã tăng 29% so với dữ liệu năm 2000.

Cũng trong nghiên cứu này, những người làm việc từ 55 giờ/tuần trở lên sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ cao hơn 17% so với những người làm việc từ 35 – 40 giờ/tuần.

Thực tế tình trạng làm việc quá sức là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới, riêng giới chức của một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về hiện tượng này. Trong tiếng Nhật thậm chí còn có một thuật ngữ đặc biệt cho tình trạng nói trên - karoshi - có nghĩa là “chết vì làm việc quá sức”.

Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa karoshi với một số vấn đề sức khỏe như đột quỵ, tim mạch. Họ cũng cho rằng làm việc đến kiệt sức dễ gây ra nhiều tình trạng đe dọa đến tính mạng như bệnh mạch máu não, tiểu đường, tim mạch, ung thư, bệnh phổi mạn tính, huyết áp cao…

Tiến sĩ Adam Perlman, giám đốc sức khỏe và phúc lợi của Mayo clinic Florida, đồng thời là giám đốc y tế tại meQuilibrium, khuyến nghị người lao động nên dành thời gian nghỉ ngơi để tái tạo lại năng lượng và tận hưởng ngày nghỉ phép theo quy định của doanh nghiệp. Cùng với đó, người lao động nên dành thời gian thư giãn bằng các hoạt động như nghe nhạc, đi bộ, tập yoga... Ngủ đủ giấc (6-8 giờ/ngày) để giúp cơ thể và bộ não phục hồi nhanh nhất; hạn chế việc thức khuya làm tổn hại đến các dây thần kinh.

Bên cạnh đó, người lao động cũng nên chú ý duy trì chế độ ăn uống hợp lý với đầy đủ nhóm chất, bổ sung rau xanh, trái cây, thịt cá các loại...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới