Theo kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí Chronobiology International của nhóm chuyên gia tại Trường Đại học Y khoa Feinberg đã công bố: “những người được xác định thường xuyên thức khuya có nguy cơ chết sớm tăng lên 10%”.
Việc thức đêm khiến sức khoẻ chúng ta có nhiều hệ luỵ và những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là tình trạng thiếu ngủ dẫn đến “ngủ ngày”, da mặt nổi mụn, lão hoá hay tính tình dễ cáu gắt. Nhiều nghiên cứu về vấn đề này chỉ ra rằng ngoài tế bào da bị tổn thương thì còn suy giảm trí nhớ thậm chí có nguy cơ bị béo phì.
Thực phẩm ăn đêm không được chứa nhiều dầu mỡ để hạn chế bệnh tim mạch và cao huyết áp. Ảnh: Internet
Các bệnh mà khi thức đêm, ăn đêm chúng ta dễ mắc phải như: dạ dày, đường ruột; bệnh lý tim mạch; tiểu đường;... Chính vì thế, khi làm ca đêm chúng ta nên chọn cách nạp thêm thực phẩm thế nào cho phù hợp để giảm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, trưởng khoa Dinh dưỡng BV Đại học Y Dược TP.HCM, thực tế nhu cầu dinh dưỡng trong 24 tiếng đã được nạp đủ trong ngày. Nếu người làm đêm đã ăn đủ thì việc bổ sung bằng cách ăn nhẹ là hợp lý, không nên ăn nhiều vì dễ gây buồn ngủ và béo phì.
Dinh dưỡng có thể nạp vào ban đêm phải đảm bảo có nhiều rau xanh. Đồng thời, thực phẩm ăn đêm không được chứa nhiều dầu mỡ để hạn chế bệnh tim mạch và cao huyết áp. Bên cạnh đó, bác sĩ khuyến cáo người làm ca đêm cần cân bằng giấc ngủ để bù lại khoảng thiếu hụt và nên giảm số ngày làm đêm trong tuần để không mắc các bệnh nguy hiểm, bác sĩ Niên cho biết thêm.