Từ vụ ông Nguyễn Sự 'từ quan': Người làm quan phải có liêm sỉ

Từ vụ ông Nguyễn Sự 'từ quan': Người làm quan phải có liêm sỉ ảnh 1

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng làm quan cần phải có liêm sĩ. LÊ PHI

. PV: Ông Nguyễn Sự (Bí thư TP Hội An) vừa nộp đơn xin từ chức dù còn hai năm nữa mới đến tuổi hưu. Ông Sự nói từ chức để cho lớp trẻ lên làm, còn ông Sự cứ ngồi đó thì cán bộ trẻ không có cơ hội. Ông đánh giá như thế nào về hành động này?

- ĐB Dương Trung Quốc: Trước hết là tôi tôn trọng quyết định cá nhân của ông Sự. Tôi nghĩ khi ông Sự đã quyết định như vậy tức là đã tính toán hết rồi, cả việc công lẫn việc tư. Tôi biết ông Nguyễn Sự là một lãnh đạo địa phương có uy tín trong nhân dân, để lại nhiều dấu ấn trong nhân dân, nhất là Hội An, một TP di sản thế giới.

Việc “treo ấn từ quan” của ông Sự gợi lên cho nhiều người về cách ứng xử như thế nào cho đúng nghĩa là một người đầy tớ của nhân dân. Ông ấy nói nghỉ và giải thích là để mở ra con đường cho những người trẻ. Đây là một suy nghĩ không chỉ tự trọng mà hết sức bình thời. Vì “từ quan” vốn lẽ là bình thường nhưng ở xứ ta trở nên hết sức bất thường. Ngày xưa các cụ “treo ấn từ quan” nhiều lắm. Từ quan vì bất mãn, vì nhiều lý do hoặc giữ chữ hiếu với cha mẹ. Cũng có người từ quan để thỏa mãn thi ca, vui thú về già…Còn ông Nguyễn Sự nói là không muốn cản đường. Điều đó có nghĩa là hình như trong cơ chế chúng ta có thế hệ này cản đường thế hệ kia mà chưa có lối thông thoát để nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền. Việc làm của ông Nguyễn Sự cá biệt đáng trân trọng.

. Ông gặp ông Nguyễn Sự nhiều chưa?

- Tôi không được tiếp xúc nhiều với ông Nguyễn Sự nhưng gặp ông ấy, tôi thấy ông là người rất cởi mở. Từ hình dạng cho đến phong cách, ông ấy rất chân chất, không thấy quan chức gì cả.

. Sự từ chức sớm như vậy liệu có phí đi một người tài?

- Ông ấy có thể cống hiến ở những lĩnh vực khác dù treo ấn từ quan. Điều quan trọng là ông Nguyễn Sự về nhưng sẽ tạo ra những nhân tài mới. Chứ không ở mãi được. Chắc sau ông Sự cũng đã có một lớp cán bộ trẻ kế cận để thay thế. Ông cũng có thể đóng góp ở nhiều lĩnh vực khác.

Quan chức ngày xưa xem việc “treo ấn từ quan” là bình thường nhưng bây giờ văn hóa từ chức gần như không còn tồn tại?

Cái này tôi nghĩ, chúng ta phải đi hỏi những người không chịu từ chức.

. Nhiều người không có năng lực, đạo đức nhưng vẫn ngồi chức cao, không chịu từ chức?

- Nhiều người dân cũng đặt câu hỏi như vậy.

. Ông Nguyễn Sự nói chuyện từ chức là cất một cái gánh nặng, ông Sự thương những anh em khác phải gánh cái gánh đó?

- Cách nghĩ của ông Nguyễn Sự là cá biệt và nó tạo cho mọi người phải suy nghĩ. Rất đánh giá cao việc hạ gáng xuống cho người khác gánh và trút gánh nặng cho người khác gánh là một việc khác nhau. Tôi nghĩ ông Nguyễn Sự phải là người yêu TP Hội An của mình lắm nên mới nghĩ đến chuyện hạ cái gánh ấy để cho những người tốt hơn làm. Một người có trách nhiệm như ông Sự là có suy nghĩ chín chắn. Xã hội cũng cần phải suy nghĩ cái này.

Ông đánh giá như thế nào về quan chức ngày xưa và nay? Ngày xưa có tiêu chí đánh giá cán bộ không?

Trong xã hội ngày xưa, người ta nói rất nhiều đến tính liêm sỉ. Người ta coi đó là phẩm hạnh đầu tiên của người làm quan chức. Liêm sỉ là gì? Là tự biết mình, tự biết xấu hổ nếu mình không làm được.

Bây giờ thì cái liêm sỉ là hết sức quan trọng rồi nhưng người tự biết lượng sức mình, tự biết đánh giá mới quan trọng. Ông Nguyễn Sự suy nghĩ được như vậy chắc đã có những người gánh vác chuyện này tốt hơn.

Xã hội truyền thống, tiêu chí là đánh giá của dư luận xã hội. Người quan chức ngày xưa rất sợ dư luận xã hội, vì dư luận xã hội nó để đời, “bia đá thì mòn nhưng bia miệng vẫn còn trơ trơ” nên đó là cái áp lực. Hồi đó chưa có báo chí nhưng tiếng để đời là quan trọng. Ông Sự có lẽ đã thấm nhuần phong cách truyền thống.

Còn trong xã hội hiện đại là sự giám sát của người dân đấy. Tiếng nói của người dân được tập hợp lại theo một tổ chức. Nếu tổ chức ấy không phản ánh được tiếng nói người dân thì người dân cách chức đi. Nhất là chính quyền TP đô thị, người ta luôn luôn quan tâm đến bầu cử trực tiếp.

Tôi có làm một nghiên cứu về Hà Nội, Pháp thống trị miền Bắc từ 1888 đến năm 1945. Khoảng 60 năm thôi nhưng nó qua 40 lần thay thị trưởng. Vì anh không làm đúng ý kiến cử tri thì họ thay anh. Nhưng chúng ta có cơ chế từ trung ương chọn rồi, tiêu chí ngạch bậc nên làm vô hiệu hóa đánh giá của người dân. Mặc dù chúng ta luôn luôn coi trọng dân. Chúng ta có hội đồng này, hội đồng khác nhưng HĐND được quyền bỏ phiếu chứ có được quyền lựa chọn đâu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm