Trường quốc tế Gateway có một quy trình khá tốt để theo dõi sĩ số HS. Cô giáo chủ nhiệm của em đã phát hiện ra sự vắng mặt của em và báo lên hệ thống qua phần mềm. Tuy nhiên, ngày hôm ấy phần mềm không kết nối, thế là bi kịch xảy ra.
Không có hệ thống nào dám đảm bảo 100% rằng sẽ không xảy ra sự cố dù hệ thống ấy hiện đại tới đâu. Không gì có thể thay thế được sự quan tâm, lo lắng, yêu thương của người lớn dành cho con trẻ. Nếu hôm ấy bác tài xế hoặc cô nhận trẻ, trước khi đóng cửa xe, có kiểm tra thêm một lượt xem có em bé nào ngủ quên hay không, hoặc cô chủ nhiệm gọi cho phụ huynh để hỏi thăm vì sao em bé không tới lớp, hẳn là sự cố đã không nghiêm trọng đến thế.
Rất nhiều người lớn chúng ta vốn chủ quan lại càng chủ quan khi mọi công đoạn dần được chuyên nghiệp hóa, chỉ cần làm xong phần việc của mình là thôi. Thực ra làm mỗi phần việc của mình trong quy trình thì đã đủ nhưng trong môi trường giáo dục, như thế chưa bao giờ là đủ và đúng. Mọi lỗi hệ thống đều có thể sửa chữa nhưng nếu nó xảy ra trong trường học khiến một em nhỏ nào đó bị bỏ quên, sai lầm đó không sửa chữa được. Chỉ có sự yêu thương ấm áp, thân gần của cha mẹ, thầy cô mới có thể giữ con trẻ luôn luôn trong tầm tay tầm mắt.
Ở lớp học trường làng thời tiểu học của tôi, bạn HS nào nghỉ là cô giáo biết ngay. Cô vẽ một ô vuông ở góc bảng, ghi sĩ số HS, số HS vắng có phép, không phép lên đó. Sau buổi học là cô đã biết được tại sao HS đó nghỉ học, do mải chơi hay phải mưu sinh. Có trường hợp cô gặp phụ huynh để trò chuyện, có trường hợp cô cử một số HS đến động viên, giúp bạn chép bài, học bài. Mối quan hệ thân thương ấm áp đó dù không có quy trình chuẩn như bây giờ nhưng đã luôn giữ chúng tôi an toàn trong tầm mắt của cha mẹ, thầy cô.
Vì vậy, đây là một bài học đau đớn không chỉ riêng cho Gateway mà là cho tất cả trường học, bên cạnh quy trình đưa đón - kiểm tra sĩ số - liên lạc với phụ huynh, thì cần bổ sung ngay một điều rất quan trọng: Luôn quan tâm kiểm tra trước và sau mỗi chuyến xe, dù đó là chuyến xe đưa đón hằng ngày hay chuyến xe đi tham quan. Sự cẩn trọng ấy không chỉ mang tính kỹ thuật bắt buộc mà đó còn là mệnh lệnh của trái tim để luôn đảm bảo rằng bọn trẻ trong vòng an toàn của người lớn.
Môi trường giáo dục đòi hỏi thầy cô ngày càng nhiều yêu cầu kỹ năng hơn và nhiều trách nhiệm hơn nhưng điều đó không có nghĩa là làm thầy cô sẽ khó hơn trước nếu tình yêu trẻ luôn ở đó. Như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã viết: Ai yêu em bé/ Thì làm được thôi.