Tung tin giả về vaccine và hậu quả thật

Những ngày qua, thông tin giả liên quan đến vaccine liên tục xuất hiện trên mạng xã hội. Cạnh đó, nhiều người cũng đăng những thông tin có nội dung xúc phạm đến những người làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Những hành vi này đã gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của việc phòng chống dịch COVID-19.

Tin giả về “vùng xanh” và tin giả về vaccine

Cụ thể, ngày 30-7, hình ảnh một tấm bảng hiệu được cho là của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường 10, TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) với nội dung “Bảo vệ vùng kín” xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội. Nhiều người chia sẻ và để lại những bình luận giễu cợt.

Thực ra nội dung phản cảm ở tấm bảng trên được “chế” lại từ nội dung “Bảo vệ vùng xanh” vốn được ghi trên băng rôn dựng ở những khu vực an toàn, không có dịch. Các ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương phát động phong trào “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19” nhằm vận động toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân đồng lòng, chung sức, nỗ lực tham gia đẩy lùi dịch bệnh.

Việc tung tin giả về vaccine gây ảnh hưởng công tác phòng chống dịch sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong ảnh: Tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người dân tại TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Sau đó, một người ngụ phường 11, TP Vũng Tàu đang cách ly trong khu phong tỏa ở phường 11 được xác định là người đăng tải, chia sẻ hình ảnh phản cảm này. Bước đầu người này thừa nhận hành vi. Khi người này kết thúc việc cách ly, công an sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để xử lý theo quy định.

Một hành vi vi phạm khác xuất hiện rầm rộ mấy ngày qua là việc tung tin giả liên quan đến vaccine Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc).

Theo đó, thông tin ngày 31-7, TP.HCM đã nhận được 1 triệu liều vaccine trong tổng số 5 triệu liều mà Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) mua từ đối tác Sinopharm gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Dù chưa cập nhật chính xác thông số kỹ thuật, tính hiệu quả và các thông tin liên quan đến lô vaccine Vero Cell nêu trên nhưng nhiều người, trong đó có cả người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã đăng trên trang cá nhân những thông tin sai sự thật như: “WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) chưa phê duyệt loại vaccine này, chích loại này thì không an toàn” …

Trong khi đó, loại vaccine Vero Cell mà TP.HCM nhập là vaccine Vero Cell Sinopharm Bắc Kinh. Đây là loại vaccine đã được WHO, Bộ Y tế phê duyệt, được hơn 50 quốc gia trên thế giới đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia.

Còn một loại vaccine Vero Cell khác là Vero Cell của Sinopharm Vũ Hán thì hiện nay WHO, Bộ Y tế đều chưa phê duyệt. Do đó, không thể có sự xuất hiện của loại vaccine chưa được phê duyệt tại nước ta như một số người đã đăng tải.

Coi chừng bị xử lý hình s

ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định hành vi chế bảng “Bảo vệ vùng xanh” thành “Bảo vệ vùng kín” rồi đăng lên mạng dù không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đã xúc phạm đến uy tín của cơ quan, tổ công tác phòng chống dịch. Họ là những người đáng lẽ ra cần được trân trọng vì đã góp công sức để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nơi mình ở.

Đây là việc làm gây dư luận xấu và có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt 5-10 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 do có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

“Trường hợp tung tin với mục đích thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho xã hội số tiền lớn… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, theo Điều 288 BLHS 2015, hình phạt đến bảy năm tù” - ThS Trần Thanh Thảo cảnh báo.

Cạnh đó, ThS Thanh Thảo cho rằng với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thì chỉ cần một thông tin không đúng mà họ đăng tải cũng có thể dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực và gây thiệt hại cho xã hội.

“Rõ ràng việc đăng tin giả nói vaccine Vero Cell mà TP.HCM nhập về chưa được WHO duyệt đã gây hoang mang dư luận. Tin giả có thể khiến người dân bất an, thậm chí không muốn tiêm vaccine, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch COVID-19” - ThS Thanh Thảo nhận định.

Cũng theo ThS Thanh Thảo, về pháp lý, theo Công văn 45 ngày 30-3-2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19) thì hành vi nêu trên là hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, sai sự thật, gây dư luận xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch… và có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 BLHS.

 

Giấy xác nhận đã tiêm vaccine không đúng sự thật

Ngày 2-8, mạng xã hội xuất hiện và lan truyền hình ảnh một tờ giấy xác nhận đã tiêm vaccine COVID-19 mang tên NĐV, mũi 1 tiêm vào ngày 1-8, loại vaccine là Vero Cell (Trung Quốc), có đóng dấu của Trạm Y tế phường 18, quận 4, TP.HCM.

Về thông tin này, một lãnh đạo quận 4 đã khẳng định hiện địa bàn tiêm nhiều loại vaccine cho người dân, phần lớn là vaccine AstraZeneca (Anh) và chưa một ai tiêm Vero Cell.

“Giấy xác nhận trên là giả với mục đích xấu, có thể làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch. Mong bà con hết sức cảnh giác” - vị này khuyến cáo.

ThS Thanh Thảo cho biết hành vi chỉnh sửa giấy xác nhận và thay đổi loại vaccine để tung lên mạng như trường hợp trên là nhằm mục đích xấu, có thể gây bất an cho dư luận. Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi này mà sẽ bị phạt hành chính theo Nghị định 15/2020 hoặc nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm