Trong tuần, sự kiện “Vỡ đập thủy điện Lào: Hàng trăm người mất tích” thu hút sự quan tâm của dư luận trước thông tin khoảng 1.300 gia đình và khoảng 6.600 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Bên cạnh đó, nhiều thông tin khác thu hút nhiều bình luận của bạn đọc.
Đề nghị xử lý nghiêm tướng quân đội sai phạm
Trong tuần, thông tin “Đề nghị xem xét kỷ luật nhiều tướng công an, quân đội” do sai phạm trong quản lý, sử dụng đất an ninh, quốc phòng và quản lý tài sản công khiến nhiều bạn đọc ngỡ ngàng.
Bạn đọc Lê Quân cho biết rất đau lòng trước thông tin này... Dân rất tin Đảng, Nhà nước thông qua việc xử lý không có vùng cấm như thế này.
Bạn Lại Minh Anh cùng tâm trạng: “Tôi thật không ngờ. Các tướng công an, quân đội mà cũng sai phạm đến cỡ đó sao?”.
“Gần đây mới thấy hiện tượng các quan chức, tướng tá có chức vụ cao bị đưa ra kỷ luật, thậm chí xử tù. Điều này một mặt cho thấy sự tích cực chấn chỉnh, làm trong sạch bộ máy, mặt khác đặt ra câu hỏi cấp cao tới đó còn sai phạm thì cấp nhỏ hơn sẽ sai phạm đến đâu, còn bao nhiêu người sai phạm nữa chưa bị xử lý? Việc kiểm tra, giám sát các quan chức tại Việt Nam không thể lơ là được, cấp càng cao càng phải kiểm tra chặt chẽ hơn” - bạn Quế Nam đặt kỳ vọng.
Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Đất tái định cư cho dân sao cấp cho cán bộ?
Bài viết “Giao đất vàng Nha Trang cho cán bộ lãnh đạo” cũng nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc. Bài viết phản ánh việc cấp ba lô đất ở vị trí mặt tiền ven biển Phạm Văn Đồng cho ba cán bộ gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Bạn đọc Nguyenthichin (ở phường Vĩnh Thọ, Nha Trang) bức xúc: “Tại sao ba cán bộ này được cấp đất ở đây, lại là những vị trí đẹp nhất? Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ việc giao đất có đúng pháp luật hay không?”.
Theo bạn MaiDung, việc cho thuê, bán những khu vực đất vàng kiểu này thường là giá rẻ hơn giá thị trường rất nhiều và gây thất thoát ngân sách cho Nhà nước rất lớn. Vậy số tiền thất thoát đó sẽ chui vào túi quan chức nào, nhóm lợi ích nào? Thời buổi kinh tế thị trường nên không ai duyệt cho không ai cái gì.
Người tiêu dùng lo lắng sau vụ Con Cưng
Thông tin “Kiểm tra 70 siêu thị Con Cưng, phát hiện nhiều sai phạm” cũng làm người tiêu dùng lo lắng. Sự việc bắt đầu từ việc khách hàng nghi ngờ siêu thị Con Cưng có dấu hiệu cắt tem nhãn và thay thế bằng tem xuất xứ khác để lừa dối người tiêu dùng.
Bạn MinhMinh cho biết bản thân tôi có con nhỏ và rất muốn tìm những cửa hàng có uy tín để mua hàng cho trẻ nhỏ. Nhưng qua sự việc này, lòng tin của tôi đã không còn, thật giả lẫn lộn. Việc đánh tráo nhãn hiệu, nếu có thì rất nguy hiểm nếu các sản phẩm đó dành cho trẻ nhỏ.
Bạn HongHanh cho biết làm người tiêu dùng khi đi mua sắm cũng rất khổ. Ít tiền thì phải bỏ công, bỏ sức tìm nơi bán hàng giá gốc, chất lượng để mua. Có nhiều tiền hơn đi mua hàng ở các cửa hàng lớn, siêu thị cũng chưa chắc đảm bảo chất lượng. Các nhà quản lý thì luôn kêu gào người dân hãy là “người tiêu dùng thông thái”. Khi mà doanh nghiệp đã có ý làm giả, lừa dối khách hàng rồi thì có “thông thái” cỡ nào cũng bị gạt thôi. Đề nghị cơ quan chức năng sớm cho kết quả thanh tra để người tiêu dùng yên tâm chọn lựa.
Dân muốn nghe Bộ trưởng Nhạ nhận trách nhiệm Được nhiều bạn đọc tiếp tục quan tâm trong tuần là những sai phạm liên tiếp trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được phát hiện tại hai tỉnh Hà Giang và Sơn La. Trong bài “Vụ gian lận điểm thi: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì?”, Bộ trưởng cho rằng Bộ phải xem xét giải quyết, chỉ đạo kịp thời, kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm đúng theo quy chế. Phát biểu của Bộ trưởng khiến nhiều bạn đọc phản ứng. • “Đọc cả bài báo, tìm mãi không thấy trách nhiệm của Bộ và cá nhân Bộ trưởng như thế nào.” - Nguoidan. • “Câu nói mà tôi muốn nghe Bộ trưởng Giáo dục nói là lời xin lỗi và nhận trách nhiệm. Nhưng phần trả lời thất vọng quá Bộ trưởng ơi.” - Trần Văn. • “Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là rất lớn. Ông Bộ trưởng phải thấy rõ trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước của ông và bộ máy của ông. Ai cũng thấy rằng nếu giao cho địa phương khép kín như thế thì gian lận, nâng hạ điểm sẽ xảy ra thôi. Riêng ông Bộ trưởng thì đã chủ quan khi cho rằng “kỳ thi khách quan và nhẹ nhàng.” - Hoàng Lê Huy. • “Thế trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu? Bộ trưởng xử lý cán bộ các tỉnh là xong à? Vấn đề là ở chính sách, người quyết chính sách không lường hết, không kiểm tra kỹ càng để người dân phát hiện ra chứ có phải Bộ GD&ĐT phát hiện ra đâu.” - HuyDao. |