Ngày 16-7, trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, một nguồn tin cho hay vấn đề điểm thi cao bất thường ở Hà Giang có liên quan đến hoạt động gian lận thi cử của chính Sở GD&ĐT tỉnh nhà.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) sau khi kiểm tra công tác rà soát, chấm thi tại Hà Giang đã trả lời báo chí lúc 1 giờ sáng 17-7 . Ảnh: BHP
Thủ đoạn gian lận cực kỳ tinh vi
Theo quy trình thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT thì việc tổ chức thi ở các địa phương sẽ có thanh tra cắm chốt của Bộ giám sát. Để đảm bảo tính khách quan, số cán bộ này là giáo viên, công chức giáo dục ở các tỉnh khác. Nhưng tới khâu chấm thi thì nhiều công đoạn, công việc lại do Sở GD&ĐT địa phương chủ trì, phụ trách. Khai thác kẽ hở này, một đường dây gian lận thi cử đã được hình thành tại Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang.
Cụ thể, theo quy trình, sau khi kết thúc thi, ngày 29-6, Hà Giang bắt đầu quét bài thi trắc nghiệm gốc thành dữ liệu điện tử để đến ngày 3-7 hoàn tất, lưu đĩa CD gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 4-7. Dữ liệu sao này vừa dùng để gửi về Bộ lưu, kiểm tra, đối chiếu khi cần thiết, vừa dùng để chạy phần mềm chấm thi. Nhưng trước khi gửi về Bộ, đường dây gian lận này đã sửa chữa file tài liệu rồi dùng file đã sửa đó đưa vào phần mềm chấm thi, ra kết quả cao chót vót.
Sau khi sửa file điện tử, kết quả chấm thi như “đặt hàng”, đường dây này mới rút bài thi gốc bằng giấy ra, tô sửa lại cho khớp với dữ liệu điện tử đã chỉnh sửa trước đó.
Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, nơi nghi vấn có đường dây gian lận thi cử trong đợt thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: HP
Đã phát hiện một cán bộ vi phạm
Thực tế, quá trình giám sát thi ở Hà Giang, trưa 6-7, thanh tra cắm chốt của Bộ GD&ĐT đã phát hiện một cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh này vi phạm quy chế thi. Cụ thể, ông VTL ở phòng Khảo thí, lợi dụng lúc đã hoàn tất chấm thi, mọi người ra về hết thì vào khu vực chấm thi, mở khóa mang bốn thùng bài thi ra ngoài.
Thời điểm đó, hành vi này chỉ được xác định là vi phạm quy chế mà chưa rõ mục đích vi phạm. Phải sau khi Bộ GD&ĐT tổng hợp kết quả thi THPT toàn quốc, công bố rộng rãi thì mới lộ ra việc Hà Giang điểm thi cao vọt trên mặt bằng chung khá thấp của cả nước do đề thi khó.
“Nhiều khả năng thủ đoạn gian lận này đã được áp dụng từ mùa thi trước. Nhưng lúc đó phổ điểm cả nước cao nên không bị lộ. Giờ thì có dấu hiệu rõ ràng cho thấy có một đường dây gian lận như vậy đã tồn tại ở tỉnh” - nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM cho hay.
Các biện pháp kỹ thuật để đường dây này can thiệp vào dữ liệu thi đang tiếp tục được làm rõ. Tuy nhiên, nguồn tin cho hay có hàng chục thí sinh Hà Giang đã được nâng điểm thi tốt nghiệp đồng thời là điểm xét tuyển đại học, cao đẳng theo cách này.
Trong số này có con, người nhà của lãnh đạo tỉnh, của lãnh đạo và cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Khoảng 20 thí sinh trong số đó đã đăng ký nguyện vọng vào các trường của ngành công an, ngành mà nhiều năm qua lấy điểm rất cao.
“Điểm thi có sự bất thường” Trao đổi với báo chí ngày 16-7, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh, cho rằng “thực sự điểm thi đã có bất thường và lãnh đạo Sở GD&ĐT đang rà soát, xác minh các nguồn”. Cụ thể, ban chỉ đạo yêu cầu rà soát tất cả khâu, từ nhận đề đến quá trình coi thi, giao bài khi thi xong, cách làm, phương thức, trình tự đến khâu quan trọng là tổ chức chấm thi. Tất cả khâu được thực hiện song song và đồng bộ nhưng sẽ chọn khâu then chốt nhất, có thể xảy ra tiêu cực. Các nguồn tin độc lập đánh giá vụ việc này phức tạp, liên quan đến con, người nhà cán bộ, lãnh đạo tỉnh nên cần có sự vào cuộc, giám sát chặt chẽ của các cơ quan trung ương thì mới có thể kết luận rõ ràng, xử lý trách nhiệm tới cùng. |