“Tướng Giáp, ngọn núi lửa dưới lớp tuyết trắng”

Tháng 2-1946, tướng Võ Nguyên Giáp khi đó đã giữ chức bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông luôn xuất hiện như một vị tướng tài ba bên cạnh lãnh tụ Hồ Chí Minh qua các trang báo của chính phủ Việt Minh tại Hà Nội.

Tuy nhiên, “con người uy lực” đó không toát ra vẻ gì là quyền uy trước mắt vị khách đến gặp ông tại Bắc Kỳ. Hình ảnh ông chỉ là một con người tầm thước, trên dưới 35 tuổi, mảnh khảnh, dáng đi hơi khom. Vầng trán rộng và đôi mắt sắc. Giọng nói nhẹ nhàng rồi bỗng chốc thô ráp, ông nói tiếng Pháp lưu loát tuyệt vời nhưng với cách nhả chữ ngắt quãng trong ngữ điệu tiếng Việt.

Hẳn nhiên, chúng tôi đã nói đến những khả năng về việc sáp nhập nền độc lập của nước Việt Nam vào cộng đồng khối Liên hiệp Pháp. Tướng Giáp đã hơi nhíu mày và không che giấu bầu nhiệt huyết to lớn (tại Sài Gòn, một trong những phóng viên đã từng gọi ông là “ngọn núi lửa dưới lớp tuyết trắng”, ví von theo hình ảnh vầng trán rộng dưới mái tóc bạc), ông nói: “Nếu những điều kiện mà theo đó chúng tôi sẽ không nhân nhượng - có thể được tóm tắt trong hai chữ: độc lập và liên hiệp - không được chấp nhận, nếu nước Pháp tỏ ra thiển cận, khởi động một cuộc xung đột, thì quý vị hãy biết rằng chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, chúng tôi sẽ không dừng lại do nể nang một ai đó hoặc do bị tàn phá đến một mức độ nào đó…”. Thế là con người nhỏ nhắn với vầng trán rộng đó đã khiến chúng tôi không còn nghĩ về ông như một sinh viên “chỉ biết miệt mài đèn sách”.

Thế rồi 10 ngày sau đó, ngày 7-3, ông đã xuất hiện một cách hoàn toàn khác trên ban công của Nhà hát lớn Hà Nội, tay cầm micrô, ông dõng dạc trước hàng chục ngàn người dân Hà Nội đến nghe lời giải thích của các cán bộ lãnh đạo Việt Minh “vì sao hôm qua chúng ta đã ký kết với người Pháp”. Nhìn từ xa, khuôn mặt của tướng Giáp bật lên một sức mạnh dũng mãnh (nguyên văn “một sức mạnh của sư tử”). Và giọng nói ông sang sảng qua micrô, toát lên một sức thuyết phục đến ngạc nhiên, đáng khâm phục. Đó mới chính là một nhà hùng biện của toàn dân, ban đầu thì chế giễu, sau đó thì mãnh liệt nên có sức lôi kéo đám đông đang do dự. Tướng Giáp đã trình bày lập luận của mình về những việc cần thiết phải làm mang tính chiến thuật này và ông đã nói về một “khoảng lặng cần thiết”.

Sáu tuần sau, tại hội nghị Đà Lạt, ông không thích nghe ai đó nhắc lại điều này. Là người dẫn đầu phái đoàn Việt Minh, tướng Giáp đã tranh đấu đến cùng chống lại các lý lẽ của phái đoàn Pháp với cố vấn quân sự là tướng Salan. Trong không gian mờ ảo của một căn phòng của Lang Biang Palace, tướng Giáp giải thích: “Tôi đã nhìn thấy sức mạnh của tướng Leclerc. Vậy thì tại sao trong tình huống đó, quý vị lại không tìm cách để củng cố vị thế của mình? Điều này cũng nằm trong logic của vấn đề. Do đó về phần mình, chúng tôi hẳn phải luôn bảo người dân đề cao cảnh giác. Cuộc đấu tranh đang bước vào giai đoạn hòa hoãn, khi nhìn vào bên trong của khuôn khổ thỏa thuận này. Nhưng cuộc chiến đấu vẫn đang tiếp diễn.... Vài ngày sau đó, chính “cuộc chiến ngoại giao” bất phân thắng bại này đã đưa hội nghị đến thất bại. Tướng Giáp cười nhẹ: “Đây là một sự bất hòa đầy thân tình”. Và ba tháng sau đó, mọi người đã hiểu ra được những gì mà tướng Giáp đã hàm ý qua câu nói “khuôn khổ thỏa thuận này”.

Sự bất hòa này đã dẫn đến đổ máu và nhà ngoại giao tại hội nghị Đà Lạt đó, từ năm năm nay, chính là tướng Giáp - vị tổng tư lệnh của quân đội Việt Minh, người mà kể từ đó đã làm thất bại các toán quân tinh nhuệ của Liên hiệp Pháp.

Trui rèn vũ khí

Trong số tất cả nhà lãnh đạo Việt Minh, tướng Giáp nhanh chóng khẳng định mình là một chính trị gia” có tài. Và đơn giản nhất, ông cũng là người rất thông minh và sẽ là một trong những người kiến tạo nên Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt ngày 6-3-1946, theo đó Pháp công nhận chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “nền độc lập của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp”.

Mở đầu của Hội nghị Pháp-Việt tại Fontainebleau (Pháp) đã đánh dấu mốc son chính trị của tướng Giáp: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường sang Pháp và tướng Giáp, được chỉ định giữ chức chủ tịch Ủy ban Kháng chiến, nắm giữ toàn bộ trọng trách trước đất nước. Trong quyển Lịch sử Việt Nam từ năm 1940 đến năm 1952, Philippe Devillers đã tóm tắt mối quan hệ Pháp-Việt và nói về tính cách của nhà lãnh đạo Cộng Sản qua lời tựa của một chương, bằng một câu như sau: “Tướng Giáp đang trui rèn vũ khí”.

Một chiến lược gia

Trong giới quân sự, chúng ta dễ dàng công nhận rằng tướng Giáp đã chứng minh được tài dùng binh thật sự của mình, rằng cuộc phản công tại Ninh Bình đặc biệt đã cho thấy ông là một vị chỉ huy chiến trường đúng nghĩa. Việc sử dụng chiến tranh du kích của tướng Giáp đã khiến đối phương phải chịu nhiều tổn thất nặng nề. Và không chỉ có chiến tranh du kích về quân sự mà còn là chiến tranh du kích về chính trị mà ông sử dụng một cách điêu luyện khiến đối phương không ít lần tỏ ra lúng túng. Ông đã biết cách chọn thời điểm thích hợp, thời điểm thuận lợi nhất, với những cuộc hành quân rất “khó chịu” cho đối phương và rất gây ấn tượng với công chúng tại Hà Nội, Sài Gòn và Paris. Ông đã kết hợp thành công các hoạt động chính trị, tuyên truyền và chiến lược lại làm một.

Một cuộc chiến tranh toàn diện mà ông đã báo trước sáu năm và ông đã tiến hành cuộc chiến này với một thái độ nghiêm túc, nghiêm khắc của một vị lãnh đạo Cộng Sản và một vị chỉ huy chiến trường người châu Á. Ông đã giữ lời hứa: “Chúng tôi sẽ không dừng lại do nể nang một ai đó hoặc do bị tàn phá đến một mức độ nào đó”.

JEAN LACOUTURE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm