Ngày 17-8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph F. Dunford, đã có cuộc thảo luận với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (TQ) Phạm Trường Long, nằm trong khuôn khổ chuyến thăm ba ngày (bắt đầu từ ngày 15-8) của ông tại TQ. Theo Straits Times, tướng Dunford là quan chức quân sự cấp cao nhất của Mỹ tới thăm TQ kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ.
Tướng Mỹ cứng rắn
Trong cuộc họp với ông Dunford ngày 17-8, ông Phạm Trường Long nói rằng cách hiệu quả duy nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên hiện nay là thông qua đối thoại. “TQ tin rằng đối thoại và tham vấn là cách thức hiệu quả duy nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên và rằng giải pháp quân sự không thể là một lựa chọn” - ông nói. Tướng Phạm Trường Long cũng cho rằng tất cả bên liên quan đều cần kiềm chế và tránh bất kỳ hành động hay lời lẽ nào có thể gây gia tăng căng thẳng, theo Reuters.
Ngày 15-8, khi vừa tới Bắc Kinh, ông Dunford đã kêu gọi TQ gây áp lực lên Triều Tiên và cảnh báo nếu các biện pháp ngoại giao và kinh tế không cho thấy hiệu quả, Mỹ sẽ dùng tới hành động quân sự. Tướng Dunford nhấn mạnh Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung, đồng thời tập trận chung Mỹ-Hàn “hiện không nằm trên bàn đàm phán tại bất kỳ cấp trao đổi nào”.
Trả lời với báo chí tại Bắc Kinh ngày 17-8, ông Dunford nói rằng một giải pháp quân sự đối với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên sẽ “khủng khiếp” nhưng việc cho phép Bình Nhưỡng phát triển năng lực tấn công hạt nhân Mỹ là điều “không thể tưởng tượng nổi”. Tướng Dunford cũng khẳng định Mỹ thực hiện bất cứ hành động quân sự nào với Triều Tiên cũng sẽ tham vấn Hàn Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph F. Dunford (trái) và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ Phạm Trường Long trong cuộc họp ngày 17-8. Ảnh: EPA
Mở cơ chế đối thoại chiến lược
Trước đó, ông Dunford và người đồng cấp phía TQ Phòng Phong Huy hôm 15-8 cũng đã ký kết một thỏa thuận về việc mở cơ chế đối thoại tham mưu liên quân chung giữa quân đội hai nước.
Theo Đại tá Triệu Tiểu Trác, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học quân sự PLA, quân đội Mỹ-Trung trước đây có nhiều cơ chế đối thoại nhưng hầu hết cơ chế này tập trung vào chính sách, xây dựng quân đội hoặc trao đổi về một vấn đề cụ thể hoặc một quân chủng nào đó. “Việc trao đổi thường xuyên giữa các cơ quan tham mưu liên quân, xương sống của các hoạt động quân sự, là vô cùng quan trọng. Đây là bước đi rất tích cực trong việc xây dựng lòng tin chung và hợp tác giữa quân đội hai nước” - ông Triệu đánh giá.
Vì cơ quan tham mưu liên quân giữ vai trò thiết yếu trong các hoạt động chiến đấu, giới chuyên gia đánh giá cơ chế mới sẽ giúp tăng cường đối thoại hiệu quả, giảm các tính toán sai lầm và tăng cường năng lực quản lý rủi ro giữa quân đội Trung-Mỹ trong tình hình ngày càng phức tạp ở châu Á, đặc biệt là mối đe dọa từ Triều Tiên hiện nay. Cuộc gặp đầu tiên để thiết lập cơ chế cụ thể sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới.
Gay gắt về biển Đông Trong cuộc họp ngày 17-8, tướng Phạm Trường Long nói với ông Dunford rằng các cơ chế xây dựng niềm tin của quân đội Mỹ-Trung đã tiếp tục cải thiện nhưng “các hành động sai lầm của Mỹ về vấn đề Đài Loan, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc, hoạt động của tàu và máy bay ở biển Đông đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ quân sự song phương và niềm tin chung”. Tuy nhiên, ông Phạm không đi sâu vào tuyên bố của mình. _________________________ 200 km là khoảng cách giữa chiến khu phía Bắc của quân đội TQ với TP Đông Đan, gần biên giới TQ và Triều Tiên. Hôm 16-8, tướng Dunford đã đáp chuyến bay từ Bắc Kinh tới TP Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh để thăm cơ sở này. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm một quan chức quân sự Mỹ tới thăm một cơ quan chỉ huy thuộc quân đội TQ dọc biên giới Triều Tiên, theo Chosun Ilbo. |