Sau nhiều tháng trì hoãn, ngày 14-8 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ bắt đầu mở cuộc điều tra thương mại nhắm vào Trung Quốc (TQ).
Ông Trump tuyên bố: “Mỹ sẽ không để bất cứ nước nào cưỡng ép một cách không hợp pháp các công ty Mỹ phải chuyển giao giá trị công nghệ như một điều kiện để được tiếp cận thị trường”. TQ thường yêu cầu các công ty Mỹ liên doanh và chia sẻ công nghệ với các công ty trong nước như một điều kiện để tiến vào thị trường nước này.
Lãnh đạo cuộc điều tra là đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Đội ngũ của ông sẽ xem xét khả năng luật pháp, chính sách, hành động của TQ gây hại đến quyền sở hữu trí tuệ, những phát minh công nghệ của Mỹ.
Thêm đòn bẩy về Triều Tiên
Việc ông Trump quyết định điều tra thương mại TQ dù đang tìm kiếm sự giúp sức của nước này trong vấn đề Triều Tiên đã gây ra nhiều xôn xao. Nhà Trắng nói cuộc điều tra thương mại không dính dáng gì đến chuyện Triều Tiên và ông Trump cũng không đề cập đến Triều Tiên lúc ký bản ghi nhớ điều tra.
Tuy nhiên, trước đây ông Trump từng dùng thương mại như một đòn bẩy thương lượng về chuyện Triều Tiên. Tuần trước, khi đe dọa nhấn chìm Triều Tiên bằng “hỏa lực và thịnh nộ”, ông Trump lần nữa nhắc lại sẽ cân nhắc lại về lập trường cứng rắn thương mại với TQ nếu chịu kiềm chế Triều Tiên. Tờ Trung Hoa Nhật Báo nói ông Trump quyết định điều tra thương mại TQ vì thất vọng với việc Bắc Kinh không kiềm chế được Bình Nhưỡng. Ngay trước khi Tổng thống Trump chính thức ký bản ghi nhớ chỉ thị điều tra, TQ đã gấp rút thông báo sẽ ngưng nhập khẩu than, quặng sắt, quặng chì và nhiều mặt hàng khác từ Triều Tiên từ ngày 5-9 tới, theo lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Theo USA Today, Nhà Trắng đã chuẩn bị hành động từ hai tuần trước nhưng quyết định chờ đến sau khi TQ và Nga bỏ phiếu thuận nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì mới “ngửa bài”. Trước đây ông Trump từng có các tuyên bố gắn chính sách thương mại với an ninh quốc gia. Theo AP, điều này dẫn tới đồn đoán việc điều tra này có thể là một chiến thuật thương lượng để TQ giúp đỡ Mỹ nhiều hơn trong vấn đề Triều Tiên. Vụ điều tra này của Washington chưa đồng nghĩa với một hành động trừng phạt thương mại TQ. Cách ông Trump hành động ra sao với kết quả điều tra vẫn còn để ngỏ. Nhưng nó sẽ trở thành một “bản án” treo lơ lửng trên đầu Bắc Kinh, tăng sức ép để các trao đổi với Bình Nhưỡng mang lại kết quả tích cực hơn cho Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa)phát biểu tại phòng khánh tiết của Nhà Trắng ngày 14-8 (giờ địa phương) trong buổi ký bản ghi nhớ chỉ thị điều tra về thương mại Trung Quốc. Ảnh: AP
600 tỉ USD và hàng trăm triệu việc làm của Mỹ bị mất hằng năm vì các công ty Mỹ bị buộc phải chia sẻ tài sản trí tuệ với các công ty TQ, tờ The New York Times dẫn ước tính từ các quan chức chính phủ ông Trump. |
Bắc Kinh sẽ không ngồi yên
Phản ứng về quyết định của Mỹ, Bộ Ngoại giao TQ ngày 14-8 cảnh báo khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và sẽ chẳng bên nào có lợi. TQ khẳng định luôn xem trọng việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ, truy quét các vi phạm cũng như tăng nhận thức chung về vấn đề này.
Bộ Thương mại TQ nói Mỹ nên giữ gìn sự hợp tác trong quan hệ thương mại hai nước, rằng Bắc Kinh sẽ “không ngồi yên” mà hành động bảo vệ quyền lợi của mình bằng “mọi biện pháp phù hợp”, theo AP. Hãng tin Tân Hoa xã khẳng định TQ trước đó từng đề nghị Mỹ đánh giá khách quan tiến trình bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ của TQ, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn.
Tại Mỹ cũng có ý kiến không đồng tình quyết định của ông Trump. Trả lời phỏng vấn tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), GS quan hệ quốc tế Arthur Waldron, từng là thành viên Ủy ban Xem xét An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung, nhận định cuộc điều tra “sẽ dẫn tới căng thẳng và tổn thất” cho các công ty Mỹ đầu tư vào TQ. Theo ông, “các công ty Mỹ đầu tư vào TQ đã có nhiều sai lầm trong phân tích rủi ro và tôi nghĩ phần nhiều vì các công ty này quá nôn nóng tiến vào thị trường TQ”.
Ngày 15-8, Bộ Thương mại TQ tiếp tục khẳng định sẽ “kiên quyết bảo vệ” các lợi ích của nước này, hãng tin AP cho biết. Cơ quan này chỉ trích chỉ thị của ông Trump là “mang đậm chủ nghĩa đơn phương”, đi ngược lại tinh thần của các thỏa thuận thương mại đa phương. “Chúng tôi tin rằng phía Mỹ cần tuân thủ nghiêm túc các cam kết và đừng trở thành nước hủy hoại các luật lệ đa phương” - Bộ Thương mại TQ tuyên bố. Còn tờ Trung Hoa Nhật Báo bày tỏ lo ngại cuộc điều tra lần này sẽ “làm trầm trọng thêm căng thẳng” thương mại song phương, đặc biệt về vấn đề sở hữu trí tuệ.
Quá trình điều tra có thể mất một năm. Sau đó Mỹ có thể là thương lượng lại với TQ, hoặc có động thái giải quyết đơn phương, hoặc bắt đầu một tiến trình giải quyết bất đồng trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo các quan chức cấp cao Mỹ. Ông Robert D. Atkinson, Chủ tịch Quỹ Công nghệ thông tin và Sáng chế (Mỹ), bày tỏ quan điểm ủng hộ ông Trump: “Nhà Trắng đã sáng suốt khi làm rõ rằng mọi phương án đều đang được cân nhắc”. Còn ông Jake Parker cũng tự tin cho rằng vụ điều tra chưa gây tác động xấu đến thương mại TQ. Cựu Tổng thống Barack Obama từng cho mở một điều tra tương tự về chính sách TQ đối với công nghệ xanh vào năm 2010 nhưng kết quả là đàm phán lại chứ không phải chiến tranh thương mại. |