Thanh Niên Online lúc 16g55 hôm nay cho biết thêm: Theo thẩm phán Trương Việt Toàn, thời gian và quyết định chính thức đình chỉ vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” sẽ do Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện.
Ông Trương Việt Toàn nói rằng trong trường hợp thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời, vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” sẽ đình chỉ theo Điều 107 của Bộ luật Hình sự.
Theo Điều 107.Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự, không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Không có sự việc phạm tội; Hành vi không cấu thành tội phạm; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Còn theo Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TPHCM) trên báo Infonet thì: Cần phải hiểu bước tố tụng "Khởi tố vụ án" không hẳn là sẽ "khởi tố bị can" đối với một ai đó. Trong thực tiễn có nhiều vụ án được khởi tố nhưng sau đó không xác định được hành vi tội phạm, tội phạm chưa đến mức xử lý hình sự, người có hành vi phạm tội đã chết...vv... thì vụ án được lựa chọn bước tố tụng 2: "Đình chỉ việc khởi tố vụ án”.
Về số tiền theo lời khai của Dương Chí Dũng, riêng việc một doanh nghiệp đưa 1 triệu USD cho ông Ngọ, thì chưa được khởi tố vụ án nên sẽ không xem xét việc khởi tố về hành vi đưa hối lộ của doanh nghiệp đó.
Từ đó, hậu quả pháp lý của “vụ án làm lộ bí mật Nhà nước” "từ lời khai của Dương Chí Dũng sẽ không được xem là tình tiết giảm nhẹ tại phiên xử Phúc thẩm sắp tới của vụ án tham ô, vì chưa có kết quả chính thức. Có chăng chỉ còn tình tiết khắc phục hậu quả là hy vọng để Dương Chí Dũng sẽ thoát án tử hình.
P.V. tổng hợp từ TNO và Infonet