Sắp xét xử kháng án kêu oan của tử tù Dương Chí Dũng

Giấy báo của tòa về thời gian xét xử đã được gửi tới các luật sư. Bảo vệ Dương Chí Dũng tại phiên phúc thẩm là 3 luật sư tham gia từ phiên sơ thẩm.

Ngày 16/12/2013, TAND Hà Nội tuyên phạt cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng 18 năm tù về tội Cố ý làm trái và án tử hình do Tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Tại phiên xử, ông Dũng thừa nhận đã thiếu sát sao để xảy ra thất thoát hơn 366 tỷ đồng của nhà nước trong thương vụ mua ụ nổi 83M theo cáo buộc của VKS. Riêng cáo buộc tham ô tài sản 10 tỷ đồng, ông Dũng nói: "Đến chết cũng không nhận". Ông này sau đó kháng cáo toàn bộ bản án.

dung7-4329-1387018436-9255-1396663587.jp

Cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng. Ảnh:Việt Dũng.

Ông Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) cũng kháng cáo tương tự ông Dũng khi đề nghị xét xử lại việc TAND Hà Nội tuyên tử hình ông về tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế. Ông Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines) thì cho rằng hình phạt 9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế là quá nặng, án 10 năm do Tham ô tài sản là "oan ức".

Trong các bị cáo còn lại, Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên) cùng Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng (đều là cán bộ hải quan) có kháng cáo xin giảm hình phạt và xem xét lại mức bồi thường thiệt hại.

Đầu năm 2006, Vinalines triển khai xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam. Ngày 27/6/2007, Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng phê duyệt mức đầu tư nhà máy hơn 3.850 tỷ đồng sau nâng thành gần 6.500 tỷ đồng, trong đó có mua, lắp đặt một ụ nổi (tàu biển) để phục vụ sửa chữa tàu.

Ông Dũng bị cáo buộc dù biết ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 đã hư hỏng nhiều, không còn khả năng hoạt động và đã bị cơ quan đăng kiểm của Nga dừng hoạt động từ năm 2006 nhưng vẫn ký quyết định phê duyệt cho mua.

Tại thời điểm công an kiểm tra, ngày 17/5/2012, tổng tiền Vinalines đổ vào ụ nổi (cả mua bán, và sửa chữa, bảo quản...) hơn 525 tỷ đồng trong khi chưa đưa vào sử dụng. Cơ quan giám định kết luận, sai phạm trong việc mua ụ nổi đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 335 tỷ đồng.

Trong thương vụ mua bán này, ông Dũng, Phúc, Sơn và Chiều bị cáo buộc chia nhau 1,666 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) - khoản "hoa hồng" lấy từ nguồn 9 triệu USD được bên môi giới chuyển lại theo thỏa thuận riêng. Cụ thể, ông Dũng, Phúc chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng; Sơn hơn 5,8 tỷ đồng; Chiều nhận 340 triệu đồng.

Theo Mai Chi (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm