Mới đây, TAND TP.HCM đã tạm hoãn phiên tòa phúc thẩm xử vụ án tranh chấp về hợp đồng lao động giữa bà LTTT và Công ty Cổ phần Dược phẩm Quan Sơn (gọi tắt là Công ty Quan Sơn). Nguyên nhân tạm hoãn là để nguyên đơn có thêm thời gian tìm hiểu thêm pháp luật liên quan đến lao động.
Sa thải người lao động rồi nói không quen biết
Theo hồ sơ, ngày 1-10-2010, bà T. ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty Quan Sơn với chức vụ trình dược viên bệnh viện. Thời hạn thử việc là ba tháng, mức lương căn bản là 2,5 triệu đồng/tháng. Theo bà T., trong quá trình làm việc, bà T. luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa từng bị công ty kỷ luật. Ngoài ra, bà còn được tập thể tín nhiệm bầu làm chủ tịch công đoàn.
Tháng 4-2014, bà T. đang mang thai đến tháng thứ chín thì công ty bất ngờ ra quyết định cho bà thôi việc. Bà T. khiếu nại đến Liên đoàn Lao động quận 11, nơi đây tổ chức hòa giải nhưng phía công ty không đến.
Sinh con xong, bà T. khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết buộc công ty phải bồi thường cho bà tổng cộng hơn 114 triệu đồng. Số tiền này bao gồm các khoản tiền lương những ngày không được làm việc, tiền trợ cấp, viện phí thai sản, hai tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, các khoản bảo hiểm bắt buộc khác... Ngoài ra, bà T. còn yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định cho thôi việc, buộc công ty phải nhận bà trở lại làm việc.
Công ty - bị đơn chỉ có mặt một lần duy nhất trong một buổi hòa giải của tòa án nhưng không có ý kiến gì. Sau đó, công ty có một văn bản gửi qua đường bưu điện đến tòa án cho rằng chưa từng ký hợp đồng lao động với bà T. và cá nhân bà chủ tịch hội đồng quản trị công ty sẽ “khởi kiện hình sự” bà T. về hành vi khủng bố cá nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe giá trị người lao động.
Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) quận 11 cho biết Công ty Quan Sơn chưa từng đóng bảo hiểm cho bà T.
Tuyên án nước đôi, đính chính nước… lùi
Xử sơ thẩm ngày 24-8-2014, TAND quận 11 nhận định việc công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như vậy là trái luật. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm không tuyên rõ ràng, cụ thể mà lại tuyên theo kiểu nước đôi.
Cụ thể, bản án tuyên hủy quyết định thôi việc, buộc công ty phải nhận bà T. lại để làm việc theo hợp đồng lao động đã ký và phải trả tiền lương, BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Trường hợp công ty không nhận bà T. trở lại làm việc thì buộc công ty phải bồi thường cho bà T. tổng số tiền 89,6 triệu đồng. Công ty phải lập hồ sơ đóng BHXH cho bà T. từ tháng 10-2011. Ngay sau khi hoàn thành việc truy đóng BHXH, BHYT nêu trên, công ty phải trả lại sổ bảo hiểm cho bà T.
Ngày 7-9-2015, bà T. kháng cáo, yêu cầu tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Hai ngày sau, TAND quận 11 lại ra thông báo sửa chữa, bổ sung bản án.
Theo đó, bản án sửa lại các nội dung sau:
“Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương 2,8 triệu đồng x 1/2 x 4 năm (48 tháng) = 67,2 triệu đồng”, sửa lại thành mỗi năm được hưởng nửa tháng tiền lương theo công thức 2,8 triệu đồng x 1/2 x 4 năm = 5,6 triệu đồng.
Sửa lại tổng cộng số tiền công ty phải trả cho bà T. còn 28 triệu đồng.
Phần án phí của bị đơn từ 2,6 triệu đồng sửa lại còn 840.000 đồng.
Bị kháng nghị vì tính sai và vi phạm tố tụng
Khi hồ sơ chuyển lên cấp phúc thẩm, VKSND TP.HCM ra quyết định kháng nghị. Theo VKSND TP, công ty sa thải người lao động trong trường hợp này là trái luật, tuy nhiên việc tính toán của cấp sơ thẩm chưa chính xác và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Phần 1, bản án tuyên hủy quyết định cho thôi việc là có cơ sở nhưng lại không tính ra số tiền cụ thể công ty phải bồi thường là bao nhiêu, không có cơ sở để hai bên yêu cầu thi hành án.
Phần 2, buộc công ty bồi thường tổng số tiền 89,6 triệu đồng là chưa chính xác về mặt tính toán, tại thông báo sửa chữa lại ghi còn 28 triệu đồng cũng chưa chính xác.
Nguyên đơn yêu cầu công ty thanh toán số tiền 16 triệu đồng đã chi cho khách hàng đạt doanh số. Tòa án tách ra thành một vụ án khác mà lại buộc bà T. phải chịu án phí là không hợp lý. Không xem xét đến yêu cầu buộc công ty phải thanh toán bồi thường các khoản tiền thai sản là vi phạm tố tụng.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12-5, bị đơn tiếp tục vắng mặt. Bà T. rút lại yêu cầu muốn quay lại công ty làm việc. HĐXX giải thích cho bà T. nhiều vấn về hậu quả pháp luật liên quan, cũng như việc truy thu đóng các khoản bảo hiểm là nghĩa vụ của cả người sử dụng lao động và người lao động.
Tuy nhiên, đến gần hết buổi chiều làm việc, bà T. vẫn chưa hiểu và chưa gút lại được yêu cầu cụ thể của mình. Lúc bà yêu cầu thế này, lúc lại yêu cầu thế khác. Do vậy, tòa quyết định tạm hoãn để bà T. có thêm thời gian về tìm hiểu pháp luật. Dự kiến phiên tòa sẽ mở lại vào ngày 18-5.
Khi nào được sửa chữa, bổ sung bản án? 1. Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Việc sửa chữa, bổ sung phải được thông báo ngay cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa chữa, bổ sung, đồng thời thông báo cho cơ quan, tổ chức khởi kiện và VKS cùng cấp. 2. Việc sửa chữa, bổ sung bản án quy định tại khoản 1 điều này phải do thẩm phán phối hợp với các hội thẩm nhân dân là thành viên HĐXX vụ án đó thực hiện. Trong trường hợp thẩm phán đó không còn đảm nhiệm chức vụ thẩm phán thì chánh án tòa án thực hiện việc sửa chữa, bổ sung đó. Điều 240 BLTTDS |