TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang ra quyết định đình chỉ vụ án, sau đó có thông báo đính chính quyết định này do ghi nhầm tên người được nhận lại tạm ứng án phí. Quyết định này sau đó bị VKS cùng cấp kháng nghị.
Ra quyết định rồi… đính chính
Theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND huyện Cái Bè (Tiền Giang) thì ông B. phải trả 350 triệu đồng cho một đương sự. Hộ gia đình ông B. gồm bốn thành viên, có một thửa đất gần 1.700 m2.
Để có căn cứ xử lý tài sản của ông B., cơ quan thi hành án đã thông báo các đồng sử dụng tự khởi kiện phân chia tài sản chung. Ba thành viên còn lại đã nộp đơn khởi kiện ông B. Tòa cũng đã thụ lý vụ án.
Do bận công việc nên hai đồng sử dụng đã ủy quyền cho đồng sử dụng còn lại là bà T. tham gia tố tụng.
Quá trình giải quyết vụ án, cả ba nguyên đơn đã thống nhất rút đơn khởi kiện. Ngày 1-4-2016, bà T. đại diện làm đơn. Tòa đã đình chỉ giải quyết vụ án.
VKS huyện cho rằng việc rút yêu cầu khởi kiện chỉ thể hiện ý chí của bà T., không thể hiện ý chí của hai người còn lại. Việc đình chỉ của tòa là sai quy định. Lẽ ra bà T. phải ghi tư cách tham gia tố tụng là nguyên đơn và đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn.
Nhận thấy đã ghi nhầm tên người được nhận lại tạm ứng án phí nên tòa đã ra thông báo đính chính quyết định này dựa trên các quy định tương tự như đính chính bản án.
Lần này, VKS huyện cho rằng việc nhầm tên người được nhận lại tạm ứng án phí có thể do nhầm lẫn khi đánh máy và khẳng định rằng tòa không thể đính chính, sửa chữa được. Bởi vì BLTTDS chỉ cho phép sửa chữa, bổ sung bản án (Điều 240), không có quy định việc sửa chữa, bổ sung quyết định.
Do đó, VKS huyện đã kháng nghị yêu cầu hủy quyết định đình chỉ.
Phải dựa trên nội dung ủy quyền
Trong vụ trên, có hai vấn đề đặt ra: Một là tòa đình chỉ như vậy có đúng không và hai là tòa có quyền đính chính quyết định đình chỉ hay không?
Về việc đình chỉ, một lãnh đạo Tòa Dân sự TAND TP.HCM cho rằng nếu đương sự tham gia tố tụng với tư cách vừa là nguyên đơn, vừa là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn khác thì việc rút đơn phải thể hiện đầy đủ các tư cách của đương sự. Tuy nhiên, nếu thực tế có chứng cứ chứng minh tất cả nguyên đơn đều đồng ý rút đơn nhưng trong đơn xin rút chỉ ký tên mà không nói rõ ký với tư cách là nguyên đơn và đại diện các nguyên đơn khác thì vẫn chấp nhận việc đình chỉ là hợp pháp.
Tuy nhiên, một kiểm sát viên VKSND TP.HCM thì cho rằng trường hợp này có hai tình huống đặt ra. Nếu người đại diện được ủy quyền toàn bộ các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự thì tòa án đình chỉ là đúng. Nếu phạm vi ủy quyền không nêu quyền rút yêu cầu khởi kiện thì bà T. không được đại diện rút yêu cầu khởi kiện. Trong trường hợp này tòa đình chỉ là sai.
Đính chính quyết định: Luật không đề cập
Về thông báo sửa chữa quyết định đình chỉ, Điều 240 BLTTDS và Nghị quyết 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ nói đến thông báo sửa chữa, bổ sung bản án mà không nói việc sửa chữa, bổ sung quyết định.
“Về nguyên tắc, người dân được làm những gì pháp luật không cấm nhưng cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật có quy định. Do luật không quy định nên tòa không có thẩm quyền đính chính quyết định đình chỉ vụ án” - ThS Đồng Mạnh Hùng (Công ty Luật Phạm Nghiêm) nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì tòa chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong các trường hợp sau đây: a) Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như: Lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự...; b) Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như cộng, trừ, nhân, chia sai..., mà phải sửa lại cho đúng.
“Như vậy, ngay cả khi vận dụng linh hoạt áp dụng quyết định đình chỉ như khi áp dụng bản án thì tên người nhận lại tạm ứng án phí cũng không thuộc trường hợp được sửa chữa, bổ sung nào. Vì vậy, theo tôi kháng nghị của VKSND huyện Cái Bè, Tiền Giang là có cơ sở” - ThS Hùng nhận xét.
BLTTDS 2015 cho phép đính chính cả quyết định Điều 240 BLTTDS hiện hành và Nghị quyết 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ quy định về sửa chữa, bổ sung bản án chứ không quy định về sửa chữa, bổ sung các quyết định trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Khắc phục thiếu sót này, BLTTDS 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) đã bổ sung quy định này tại Điều 486. Theo đó, điều luật này cho phép sửa chữa, bổ sung cả quyết định của tòa. Điều kiện để sửa chữa, bổ sung quyết định được quy định tại Điều 268, đó là khi: “Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai”. ThS ĐỒNG MẠNH HÙNG, Công ty Luật Phạm Nghiêm |