Tuyển sinh ĐH năm 2022: Thêm ngành mới, tăng tuyển sinh riêng

Thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2022. Nhìn chung, các trường ngày càng thể hiện vai trò tự chủ trong tuyển sinh. Ngoài dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường chủ động gia tăng các phương thức, tiêu chí riêng để xét tuyển được thí sinh phù hợp hơn.

Thêm ngành học mới

Mặc dù không ồ ạt như năm trước nhưng mùa tuyển sinh năm 2022, một số trường ĐH, nhất là các trường ngoài công lập tiếp tục mở thêm những ngành học mới để thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Công tác tuyển sinh của nhiều trường cũng dự kiến bắt đầu sớm hơn, nhằm chủ động hơn cho cả trường lẫn thí sinh trước những diễn biến còn phức tạp của dịch COVID-19.

Trong phương án tuyển sinh dự kiến của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, năm 2022 dự kiến sẽ tuyển khoảng 4.000 chỉ tiêu cho 35 ngành đào tạo. Trong đó có đến sáu ngành học mới, gồm quản trị văn phòng, kinh tế quốc tế, công nghệ tài chính, kiểm toán, truyền thông đa phương tiện, quản trị sự kiện.

Cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM tư vấn đăng ký xét tuyển cho thí sinh. Ảnh: ĐOÀN PHONG

Trường này dự kiến sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ từ tháng 3-2022 và cũng chia thành nhiều đợt để thuận lợi cho thí sinh.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu cho 34 ngành đào tạo. Trường vẫn duy trì bốn phương thức tuyển sinh như năm trước, đáng nói ở phương thức xét học bạ, trường sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển khá sớm, từ ngày 1-1 và kéo dài đến ngày 1-5-2022.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến mở thêm chín ngành mới thuộc các nhóm ngành kinh tế - quản trị (kinh tế quốc tế, tài chính quốc tế, digital marketing, quản trị sự kiện), sinh học - môi trường - nông lâm (dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường, chăn nuôi) và truyền thông - nghệ thuật (nghệ thuật số, công nghệ điện ảnh, truyền hình).

Trường ĐH Hoa Sen cũng dự kiến mở một số ngành học mới như: Thương mại điện tử, digital marketing, phim, quan hệ công chúng, kinh tế thể thao, trí tuệ nhân tạo…

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến sẽ xây dựng và mở một số ngành mới, chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), kỹ thuật máy tính, ngành quản lý tài nguyên và môi trường.

Mở rộng tuyển sinh riêng

Một điểm đáng chú ý ở mùa tuyển sinh năm 2022 là nhiều trường đã giảm dần chỉ tiêu cho điểm thi tốt nghiệp THPT, nhất là các trường tốp đầu. Để tuyển được thí sinh có chất lượng và phù hợp hơn, các trường đã chủ động thêm phương án hoặc tiêu chí tuyển sinh mới.

Theo chia sẻ của PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm mới là trường dự kiến tuyển sinh theo hình thức kết hợp nhiều yếu tố để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh, bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn... Đây có thể sẽ là cách xét tuyển chủ đạo của trường từ năm 2022.

PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho rằng với cách thức này, năng lực học tập của thí sinh bao gồm: kết quả học THPT, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ…. Trong đó, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực là yếu tố quan trọng đánh giá năng lực học tập của thí sinh.

Năm 2022, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến tuyển hơn 3.600 chỉ tiêu theo sáu phương thức. Tuy nhiên, trường dành tối đa đến 70% chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Còn lại, chỉ 15%-50% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022; 5%-10% chỉ tiêu dành cho thí sinh người Việt Nam học THPT theo chương trình 12 năm của Bộ GD&ĐT; 10%-15% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành cho ưu tiên xét tuyển; 1%-5% xét tuyển thẳng; tối đa 3% dành cho thí sinh Việt Nam ở nước ngoài…

Được biết năm 2022 ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn là nơi triển khai kỳ thi đánh giá năng lực có quy mô lớn nhất với gần 70 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả này. Chỉ tiêu mỗi trường xét tuyển 10%-70%.

ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến sẽ vẫn tổ chức hai đợt thi. Đợt 1 vào cuối tháng 3, khi học sinh cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 và một đợt vào tháng 7, tức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tương tự, sau khi công bố kế hoạch tổ chức thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, đến nay đã có hơn 40 trường đăng ký sử dụng. ĐH này dự kiến tổ chức khoảng 7-8 đợt, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8-2022, đáp ứng cho khoảng 30.000 thí sinh dự thi.

Sau một năm phải hủy vì dịch COVID-19, năm 2022, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng dự kiến mở lại kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để sử dụng kết hợp xét tuyển với phương thức khác. Và năm 2022, trường dự kiến sẽ tăng tỉ lệ chỉ tiêu cho phương thức có sử dụng kết quả kỳ thi này vào trường so với năm trước.

Theo lãnh đạo trường, kỳ thi này có thể được tổ chức 3-4 đợt trong năm 2022 và đợt thi đầu tiên dự kiến diễn ra ngay tháng 2, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng sẽ khởi động lại kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức để xét tuyển với chỉ tiêu chiếm cao nhất, 60%-70% và ngoài ra còn có gần 10 trường khác đăng ký sử dụng. Do vậy, chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 10%-20%, xét tuyển tài năng là 20%-30%.

Mở mới 562 ngành đào tạo

Thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có hơn 240 cơ sở giáo dục ĐH. Từ đầu năm 2020 đến 30-7-2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới. Trong đó, 413 ngành do cơ sở giáo dục ĐH tự chủ mở và 149 ngành do Bộ GD&ĐT mở.

Năm 2021, tổng chỉ tiêu xét tuyển vào ĐH và CĐ (ngành giáo dục mầm non) là gần 545.000 ở 15 nhóm ngành. Trong đó, nhiều nhất là nhóm ngành kinh doanh và quản lý với hơn 118.000 chỉ tiêu, kế đến là khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, nhân văn với chỉ tiêu đều trên 40.000.

Thấp nhất vẫn là các nhóm ngành về khoa học tự nhiên, thú y, khoa học sự sống, nghệ thuật và an ninh quốc phòng, báo chí và thông tin với mỗi nhóm ngành chỉ vài ngàn chỉ tiêu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm