Tại kỳ họp thứ 19 vừa diễn ra, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025; Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021-2026.
Ngoài ra còn có các cá nhân: Phạm Xuân Thăng (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh), Triệu Thế Hùng (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh), Nguyễn Dương Thái (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh).
Lương Văn Cầu (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh), Phạm Mạnh Cường (Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế) và Nguyễn Trọng Hưng (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hải Dương).
Trước đó, tại kỳ họp thứ 18 vào giữa tháng 8-2022, UBKT Trung ương tiến hành xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.
UBKT Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương trong công tác phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống dịch.
UBKT nhấn mạnh đến việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á độc quyền bán bộ kít xét nghiệm và tham gia thực hiện xét nghiệm trái quy định; mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm, cung ứng thuốc; chi hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch; cải tạo, sửa chữa các cơ sở y tế; một số cán bộ tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam.
Theo cơ quan kiểm tra, những vi phạm này gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, nguồn lực của xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trách nhiệm thuộc về các tổ chức, cá nhân bị đề nghị xem xét kỷ luật như đã nêu.
Sau khi được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) thông đồng với lãnh đạo các đơn vị y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, nâng khống giá bán lên mức 470.000 đồng/kit xét nghiệm.
Công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, TP trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng. Trong đó, giá kit xét nghiệm được nâng khống khoảng 45%, giúp công ty Việt Á thu về số tiền hơn 500 tỉ đồng.
Đặc biệt, công ty Việt Á chi “hoa hồng” cho các “đối tác” với số tiền lên tới gần 800 tỉ đồng.
Đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố khoảng 80 bị can. Trong số này, nhiều người là cán bộ cấp cao của Bộ Y tế, Bộ KH&CN hoặc CDC các địa phương.
Riêng tại Hải Dương, hai bị can đã bị khởi tố và bắt tạm giam là Phạm Duy Tuyến (cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật) và Nguyễn Mạnh Cường (cựu kế toán trưởng CDC Hải Dương).
Theo điều tra ban đầu, Việt và thuộc cấp tại Công ty Việt Á đã có hành vi đưa hối lộ cho ông Tuyến số tiền khoảng 27 tỉ đồng. Đây là tiền được Công ty Việt Á “bôi trơn” cho lãnh đạo CDC Hải Dương, để cùng nhau bắt tay nâng khống giá kit test xét nghiệm.
Cũng tại kỳ họp thứ 19, UBKT Trung ương xem xét kết quả kiểm điểm của Bộ Nội vụ về việc đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân liên quan trong thực hiện Đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện chủng virus Corona mới 2019”.
UBKT Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ chỉ đạo khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm; rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.