Theo UBND huyện Giồng Trôm, tại ấp 2, xã Lương Hòa có ba cơ sở sản xuất than thiêu kết. Trong đó có hai hộ đốt than thiêu kết, còn một hộ dân xây than thiêu kết và đang xây dựng triển khai mô hình thực nghiệm công nghệ mới (Ấn Độ và Indonesia) xử lý khí thải trong việc sản xuất than thiêu kết.
Ngày 22-8, UBND huyện có nhận được phản ánh của các hộ dân xã Lương Hòa về việc ô nhiễm môi trường trong sản xuất than thiêu kết và yêu cầu không cho ông LVT xây thêm lò sản xuất.
Trước phản ánh trên, UBND huyện đã chỉ đạo phòng TN&MT phối hợp với công an huyện, UBND xã Lương Hòa thành lập đoàn kiểm tra cơ sở than thiêu kết của ông LVT. Qua kiểm tra, ông LVT mới triển khai đào đất và đổ bê tông để xây dựng lò đốt than nhưng các hộ dân vẫn không đồng ý.
Ngày 20-9, UBND huyện đã mời Sở KH&CN và các đơn vị liên quan để thông báo về việc đầu tư thí điểm mô hình xử lý khói than thiêu kết.
Kết quả, UBND huyện yêu cầu cơ sở này dừng triển khai thí điểm tại ấp 2, xã Lương Hòa. Nếu chủ cơ sở tiếp tục triển khai mô hình cần nên triển khai tại địa điểm khác phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, xa khu dân cư. Sở KH&CN sẽ hỗ trợ trong việc thành lập hội đồng khoa học đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu để áp dụng và nhân rộng…
Trước đó, ngày 17-9, báo Pháp Luật TP.HCMcó bài viết “Ngộp thở với khói lò than”phản ánh về tình trạng 18 lò than hoạt động ngày đêm khiến hàng chục hộ dân suốt 20 năm nay phải sống chung với khói. Trong đơn kêu cứu gửi chính quyền xã Lương Hòa và ngành chức năng huyện Giồng Trôm, Bến Tre, hàng chục hộ dân ở ấp 2, xã Lương Hòa bức xúc phản ánh sức khỏe của họ đang ngày càng suy yếu vì hít khói lò than suốt nhiều năm nay.