Sau một thời gian Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chạy đôn chạy đáo tìm viện trợ từ khắp các nước châu Âu, Kiev vài ngày gần đây đã đón nhận nhiều tin vui khi Mỹ và EU công bố thêm viện trợ bổ sung giúp tạm thời giúp Ukraine vượt qua khó khăn này suốt nhiều tháng qua.
Ông Zelensky bôn ba tìm viện trợ
Đứng trước tình trạng khát vũ khí trầm trọng, Tổng thống Zelensky trong nhiều tháng qua đã liên tục lên tiếng kêu gọi các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nhanh chóng viện trợ vũ khí cho Ukraine. Theo đó, nhà lãnh đạo chính quyền Kiev đã công du nhiều nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, cũng như tham gia nhiều diễn đàn quốc tế để thực hiện “nhiệm vụ sống còn” này.
“Việc NATO không cung cấp đủ đạn dược cho Ukraine gây ra hậu quả hằng ngày trên chiến trường. Các đồng minh cần phải đưa ra những quyết định cần thiết để tăng cường cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine” - hãng tin Al Jazeera dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Gần đây nhất, tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Albania Edi Rama, sau Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - Đông Nam Âu hồi cuối tháng 2, ông Zelensky đã cố gắng kêu gọi các đối tác tăng cường sản xuất vũ khí, không để nguồn cung bị chậm trễ, theo hãng tin Ukrinform. Ông Zelensky đề xuất ý tưởng Ukraine sẽ cùng các nước Đông Nam Âu sản xuất vũ khí chung.
“Chúng tôi quan tâm đến việc hợp tác sản xuất với các bạn và tất cả đối tác của chúng tôi. Có khoảng 500 công ty quốc phòng đang hoạt động ở Ukraine, mỗi công ty đều tăng công suất nhưng vẫn không đủ để giành chiến thắng Nga. Chúng tôi nhận thấy có vấn đề trong việc cung cấp đạn dược, điều này đang ảnh hưởng đến tình hình trên chiến trường” - ông nói.
Trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) ngày 17-2, ông Zelensky cũng kêu gọi các quốc gia đối tác hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine. Lời kêu gọi này được đưa ra ngay sau khi lực lượng Ukraine tuyên bố rút quân khỏi TP Avdiivka, nơi được coi là thành trì chủ lực của quân Kiev ở tỉnh Donetsk suốt thời gian qua.
Ông nói rằng việc gửi thêm gói vũ khí và phòng không tới Ukraine là điều quan trọng nhất mà các đồng minh của Kiev có thể làm. “Nếu chúng tôi có đủ hệ thống phòng không, chúng tôi có thể đưa hàng triệu người Ukraine về nhà” - đài CNN dẫn lời ông Zelensky phát biểu.
Trong suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Zelensky cũng tích cực công du nhiều quốc gia phương Tây nhằm kêu gọi ủng hộ và viện trợ vũ khí, bao gồm các chuyến đi đến Mỹ, Đức, Pháp, Ba Lan, Cộng hòa Czech...
Cuối năm 2023, ông Zelensky đã trực tiếp kêu gọi viện trợ an ninh nhiều hơn khi phát biểu tại ĐH Quốc phòng Quốc gia ở Washington (Mỹ), nói rằng “giấc mơ của ông Putin đang dần trở thành hiện thực” nếu Quốc hội Mỹ tiếp tục chậm trễ thông qua gói viện trợ 60 tỉ USD cho Ukraine. Trước đó, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala hôm 7-7-2023, ông Zelensky cũng nói rằng nếu không có vũ khí tầm xa, Ukraine không chỉ khó tiến công mà còn khó triển khai chiến dịch phòng thủ. Từ đó, người đứng đầu chính quyền Kiev kêu gọi quốc tế, đặc biệt là Mỹ, nhanh chóng viện trợ cho Ukraine nhằm ngăn Nga chiếm thế thượng phong trong một số tình huống nhất định, theo hãng tin Reuters.
Tạm qua cơn khó khăn
Vài ngày gần đây, nhiều quốc gia phương Tây bắt đầu có những động thái cho thấy họ thật sự quan tâm vấn đề thiếu hụt vũ khí trên tiền tuyến của Ukraine.
Theo hãng tin AFP, ngày 15-3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã gặp nhau tại TP Berlin (Đức) để bàn về việc viện trợ cho Kiev. Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Scholz nói đây là một thông điệp cho Moscow về việc “chúng tôi sẽ không ngừng ủng hộ Ukraine”, nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine tới “chừng nào còn cần thiết”.
Theo nhà lãnh đạo Đức, các nước châu Âu đang thành lập một liên minh mới để cung cấp vũ khí tầm xa cho lực lượng Ukraine, sáng kiến từng được Tổng thống Macron đưa ra trước đó. Ông Scholz nhấn mạnh rằng các nước châu Âu “sẽ mua thêm nhiều vũ khí hơn nữa cho Ukraine và nỗ lực này sẽ được bắt đầu ngay lập tức”.
Cũng trong cuộc họp báo, Tổng thống Macron nói rằng Đức, Pháp, Ba Lan đã nhất trí về mục tiêu “không bao giờ để Nga chiến thắng và hỗ trợ người dân Ukraine đến cùng”. Trong khi đó, Thủ tướng Tusk khẳng định Đức, Pháp và Ba Lan sẽ phải “huy động toàn bộ châu Âu” để cung cấp những viện trợ cần thiết cho Ukraine để đối phó với Nga.
Trước đó không lâu, vào ngày 12-3, Nhà Trắng công bố gói viện trợ quân sự quan trọng trị giá 300 triệu USD cho Ukraine. Các quan chức Mỹ cho biết gói viện trợ này sẽ bao gồm tên lửa phòng không, đạn dược, đạn pháo và một số xe bọc thép, theo hãng tin AFP. Tuy nhiên, đây chỉ là một gói tương đối nhỏ trong viện trợ cho Ukraine, cung cấp những thứ tối thiểu mà nước này cần trong khoảng thời gian ngắn.
Theo đó, các quan chức Mỹ lưu ý Quốc hội Mỹ cần phải thông qua thêm viện trợ cho Kiev. Hiện các nhà lập pháp đảng Cộng hòa tại Hạ viện vẫn đang nỗ lực chặn gói viện trợ Ukraine trị giá 60 tỉ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất.
Sau Nhà Trắng, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tăng thêm 5 tỉ euro (khoảng 5,48 tỉ USD) viện trợ cho Ukraine. Số tiền này sẽ được bổ sung vào Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) trong năm 2024. EPF được EU thành lập hồi năm 2021 nhằm mục đích giữ gìn hòa bình, ngăn ngừa xung đột và tăng cường an ninh quốc tế. Theo EU, EPF đã được sử dụng để phân bổ khoảng 6,1 tỉ euro viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng gói viện trợ mới trên “là một minh chứng mạnh mẽ và kịp thời khác về sự thống nhất và quyết tâm của châu Âu trong việc đạt được chiến thắng chung của chúng ta. Chúng tôi mong đợi quyết định cuối cùng được thông qua tại cuộc họp Hội đồng đối ngoại EU sắp tới”. Cuộc họp Hội đồng đối ngoại EU dự kiến diễn ra vào ngày 18-3 (giờ địa phương).•
Ông Macron nói về khả năng đưa quân phương Tây đến Ukraine
Trả lời phỏng vấn tờ Le Parisien phát sóng ngày 16-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần nữa tuyên bố không loại trừ khả năng phương Tây sẽ triển khai bộ binh đến Ukraine bất chấp những tranh cãi xung quanh phát ngôn trước đó của ông về vấn đề này.
“Tôi không muốn và sẽ không chủ động nhưng có thể đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải triển khai chiến dịch trên bộ đối phó với lực lượng Nga” - ông Macron nói, đồng thời nhấn mạnh rằng “Pháp đủ sức để làm điều đó”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani cảnh báo rằng việc triển khai quân của khối NATO đến chiến trường Ukraine có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu, hay nói cách khác là làm bùng nổ Thế chiến III.
Nga chưa lên tiếng về phát ngôn mới nhất của ông Macron nhưng trước đó đã cảnh báo rằng xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ là tất yếu nếu binh sĩ NATO hiện diện tại Ukraine, theo hãng thông tấn TASS.
Đây không phải lần đầu nhà lãnh đạo Pháp để ngỏ khả năng đưa quân NATO vào Ukraine. Ông đã từng đưa ra bình luận về vấn đề này hôm 27-2 vừa qua khi nhấn mạnh “sẽ làm mọi thứ để Nga không thể chiến thắng”. Phát biểu này của ông Macron khi đó không chỉ vấp phải phản ứng gay gắt từ Nga, mà còn khiến nhiều nước châu Âu nhanh chóng lên tiếng bác bỏ.