Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”

UNCLOS năm 1982 là sợi chỉ đỏ để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

(PLO)- Các chuyên gia khẳng định việc cam kết và thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là nền tảng trong chiến lược của Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi biển và duy trì ổn định tại Biển Đông.

Ngày 15-11, tại phiên thảo luận thuộc khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) và báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, vấn đề thực thi Công ước này trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông nhận được nhiều quan tâm của đại biểu, chuyên gia.

PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Phó Ban Tổ chức Hội thảo (ngồi giữa) chủ trì Phiên thảo luận 2 của Hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI

Sợi chỉ đỏ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Tham luận về chủ đề này, TS Nguyễn Toàn Thắng, Trường Đại học Luật Hà Nội, khẳng định trong quá trình giải quyết tranh chấp trên biển thì sợi chỉ đỏ cho việc này chính là pháp luật trên biển và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 (gọi tắt là Công ước về Luật Biển 1982).

TS Nguyễn Toàn Thắng, Trường Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ quan điểm về thực thi Công ước Luật Biển 1982 của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo TS Nguyễn Toàn Thắng, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời khẳng định quyền tài phán hợp pháp trên các vùng biển thuộc EEZ và thềm lục địa của Việt Nam theo UNCLOS.

Với tư cách là quốc gia ven biển, Việt Nam được UNCLOS ghi nhận thẩm quyền riêng biệt, mang tính chất đặc quyền đối với nguồn tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Do đó, các quốc gia khác có nghĩa vụ tôn trọng quyền chủ quyền của Việt Nam, không được tiến hành thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên nói trên khi chưa có sự chấp thuận của Việt Nam.

Nhiều bạn sinh viên tham dự và đặt những câu hỏi về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông dẫn chứng một số vụ việc và cho biết trên cơ sở các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã sử dụng các biện pháp ngoại giao nhằm yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm.

Trên thực địa, lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam cũng kiên quyết bảo vệ các quyền của Việt Nam được ghi nhận bởi UNCLOS.

Nhà báo Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Phó Trưởng ban Tổ chức hội thảo, tham dự phiên thảo luận. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Như vậy, Việt Nam thực thi quyền trên cơ sở các quy định của luật quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, các điều khoản có liên quan của UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và các thỏa thuận khác, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” – TS Nguyễn Toàn Thắng phân tích.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông khẳng định trong các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, Việt Nam đặc biệt chú trọng sử dụng biện pháp ngoại giao để xử lý tranh chấp Biển Đông, với các hoạt động chủ yếu bao gồm đối thoại song phương, đa phương và vận động quốc tế.

TS Nguyễn Toàn Thắng khẳng định việc cam kết và thực thi UNCLOS là nền tảng trong chiến lược của Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi biển và duy trì ổn định tại Biển Đông.

Tuy nhiên, trong bối cảnh những thách thức phức tạp từ các yêu sách và hành động phi pháp từ các quốc gia khác, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình.

Do đó, bên cạnh việc tiếp tục thực thi các quy định của UNCLOS, TS Thắng nhìn nhận Việt Nam cần tăng cường năng lực bảo vệ và thực thi pháp luật trên biển, duy trì đối thoại và hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực để đạt được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Giải quyết tranh chấp bằng pháp lý?!

Trao đổi hội thảo, Ths Trần Thị Kim Quyên, Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Mở TP.HCM, cho biết thực tiễn hiện nay, Việt Nam có những nỗ lực chủ động dấn sâu vào các cơ chế giải quyết tranh chấp theo khuôn khổ của Công ước Luật biển 1982 nói riêng và các thiết chế quốc tế nói chung.

Ths Trần Thị Kim Quyên, Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Mở TP.HCM, tham gia thảo luận. Ảnh: NGUYỆT NHI

Song, Ths Quyên cũng mong các chuyên gia phân tích thêm khả năng Việt Nam vận dụng các biện pháp khác để giải quyết tranh chấp, ngoài việc đàm phán thương lượng trên cơ sở UNCLOS.

Về việc này, TS Nguyễn Toàn Thắng, Trường Đại học Luật Hà Nội, nhìn nhận Việt Nam đã là cường quốc biển tầm trung, nên cần mở rộng vai trò của mình đối với khu vực và quốc tế.

Ông cho rằng việc giải quyết tranh chấp theo cơ chế pháp lý được quy định trong các các điều ước quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 với các biện pháp hòa bình phù hợp, nhưng tùy thuộc vào bối cảnh, sự lựa chọn của từng quốc gia và hiệu quả.

“Tôi nghĩ rằng nếu phải sử dụng một biện pháp pháp lý trong tương lai, trong khuôn khổ Công ước Luật biển 1982, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm Philippines” – TS Thắng nhìn nhận.

Đại sứ, GS-TS Nguyễn Hồng Thao, Thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên Hợp Quốc, chia sẻ các biện pháp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Ảnh: NGUYỆT NHI

Phân tích rõ hơn, Đại sứ, GS-TS Nguyễn Hồng Thao, Thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên Hợp Quốc, khẳng định Việt Nam chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Ông cho biết xu hướng các nước sẽ sử dụng cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết các vấn đề khó đàm phán. Kết quả, có trường hợp thành công và ngược lại.

Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo GS Nguyễn Hồng Thao, khi đưa nhau ra tòa, phải chấp hành toàn bộ phán quyết của tòa. Đặc biệt, phải chuẩn bị tư thế, hồ sơ kỹ lưỡng, bằng chứng cụ thể, thuyết phục cùng đội ngũ luật sư giỏi tham gia vào các cơ quan tài phán quốc tế.

Bày tỏ sự đồng tình, Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Cảnh sát biển Việt Nam, cho rằng "chúng ta phải chuẩn bị từ sớm, từ xa đối với các hồ sơ pháp lý cho phương án cuối cùng là kiện hay không kiện".

PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Phó Ban Tổ chức Hội thảo, nhìn nhận các phương pháp giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình có khá nhiều, cần được lựa chọn vì phương pháp nào cũng có cả yếu tố tích cực và hạn chế.

“Có lẽ nên ưu tiên thương lượng, đàm phán, vì kéo nhau ra tòa sẽ ảnh hưởng đến việc hợp tác quan hệ thương mại giữa các nước láng giềng” – PGS.TS Lê Vũ Nam nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới