Ước mơ về 1 căn nhà mang tên Hạnh phúc

(PLO)- Căn nhà cũng là nơi để xoa dịu những mệt mỏi của cuộc sống hằng ngày, giống như ngôi nhà hạnh phúc mà tôi đã từng mơ ước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi là con út trong gia đình có bốn người con ở vùng quê của huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Là con gái duy nhất trong nhà nên từ nhỏ tôi luôn sống trong sự bao bọc của cha mẹ và các anh, cuộc sống cứ vô tư, bình lặng trôi qua từng ngày. Với tôi, căn nhà luôn là tổ ấm, là nơi đầy ắp yêu thương và là nơi tôi luôn háo hức tìm về sau một ngày học tập căng thẳng.

Ở đó, tôi có cha, có mẹ, có các anh và có cả góc phòng riêng của mình, có cả sân nhà mát rượi đầy hoa và cây cảnh do cha tôi trồng.

Và cứ thế, không biết từ bao giờ, căn nhà trong tâm trí tôi luôn là nơi rất gần gũi, đầy ấm áp và thiêng liêng. Tôi luôn mong muốn, ước mơ mình cũng sẽ có một ngôi nhà như thế cho gia đình nhỏ của mình và tôi đặt tên đó là ngôi nhà Hạnh phúc.

Tác giả bên không gian kệ sách nơi trọ của mình. Ảnh: NVCC

Tác giả bên không gian kệ sách nơi trọ của mình. Ảnh: NVCC

Đến với miền đất mới

Và rồi, như bao bạn bè cùng trang lứa khác, ngày tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học cũng là lúc tôi tạm rời xa căn nhà nhỏ thân yêu để đến một miền đất mới, miền đất ấy mang tên TP.HCM.

Bước chân xuống đây, ngoài những hành trang mà tôi chuẩn bị cho cuộc sống mới, tôi còn mang trong tâm trí một nỗi niềm tiếc nuối khi phải xa nơi thân thuộc. Và kèm theo đó là bao lời dặn dò của người lớn phải cẩn thận nơi đất khách quê người.

Cứ thế, những năm đầu đại học, ngoài những guồng quay của giảng đường, những vất vả, trải nghiệm mới mẻ từ những công việc làm thêm, thường trực trong tôi luôn là sự phòng bị, khép lại với TP này. Tôi sợ dòng xe cộ đông đúc nơi đây, sợ những người xa lạ, sợ những ánh mắt như đang nhìn vào mình trên đường về…

Thế nhưng, TP này càng hiểu, ta lại càng yêu. Bỏ qua những ngày tháng đầu bỡ ngỡ, dần dà, sự thân thiện, những nụ cười ấm áp của những người xung quanh khiến tôi dần mở lòng hơn. Đó là lời hỏi thăm, động viên của cô chủ trọ mỗi khi tôi đi làm thêm về muộn, là nụ cười chào thân quen của cô hàng rau đầu ngõ, là gói xôi sáng “ký sổ”… Cứ thế, TP này xa lạ mà bỗng chốc hóa thân quen với tôi từng ngày. Tình yêu mà tôi dành cho TP này cứ tự nhiên như thế mà lớn lên.

Hơn bốn năm trên ghế giảng đường, cuối cùng tôi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp với sự hãnh diện, chúc mừng của những người thân yêu. Với tình yêu dành cho TP này, tôi đã ở lại làm việc để viết tiếp những dự định, những hoài bão về tương lai mình đã chọn.

TP.HCM này sẽ không phụ lòng tôi, sẽ có lúc tôi trở thành “người con”, chứ không mãi là “khách trọ” của vùng đất này.

Ước mơ về căn hộ nơi mình chọn để cống hiến

Căn trọ tôi đang ở sau bao năm giờ đã quá chật chội với những ống nghiệm mô hình nuôi tảo thí nghiệm, tài liệu và hàng trăm thứ linh tinh khác đến mức không còn chỗ để nhét thêm. Sự chật hẹp, bức bối về không gian cùng một sự cân nhắc xác định nghiêm túc cho tương lai gắn liền với TP này đã thôi thúc tôi không ngừng mong mỏi: Phải có một căn hộ, một tổ ấm cho riêng mình ở TP mình đã chọn để cống hiến và làm việc.

Đó là một ngôi nhà nhỏ với hai phòng ngủ, một phòng cho tôi, một phòng cho người thân ở quê khi đến TP.HCM. Căn nhà ấy tôi sẽ chăm chút thật kỹ, trang trí thật xinh, thật ấm cúng để nó thực sự là tổ ấm mà tôi luôn tìm về, sau ngày dài làm việc mệt mỏi.

Căn nhà ấy sẽ có ban công để tôi có thể trồng những loài hoa mà mình yêu thích, nơi để tôi trồng thêm vài loại rau củ mà ở quê mẹ tôi từng trồng. Và đó cũng sẽ là một góc không gian mà tôi có thể ngồi thưởng thức ly cà phê sữa, ngắm nhìn ánh đèn của TP.HCM về đêm, nghe vài bản nhạc ballad mỗi khi đêm về.

Và một không gian không thể thiếu trong căn nhà là gian bếp. Nơi đây tôi có thể nấu những món ăn yêu thích, để tự thưởng cho mình sau một ngày làm việc vất vả. Và hạnh phúc nhất là việc kết thúc những ngày cơm bụi, vì căn trọ cũ đã chẳng còn chỗ cho chuyện bếp núc từ bao năm qua.

Tôi sẽ dành riêng một góc trong căn nhà để đặt những ống nghiệm nuôi tảo, làm một số thí nghiệm nhỏ… Và hàng trăm điều hạnh phúc khác mà tôi có thể làm với căn nhà nhỏ của mình.

Nhưng nhìn thực tế sau hơn hai năm đi làm, với số tiền tiết kiệm ít ỏi trong tay trong khi giá nhà ở TP.HCM luôn tăng lên đến mức chóng mặt. Tôi biết ước mơ về tổ ấm ấy sẽ còn xa vời lắm.

Nhưng tôi tin TP.HCM này sẽ không phụ lòng tôi, sẽ có lúc tôi trở thành “người con” chứ không mãi là “khách trọ” của vùng đất này. Bởi lẽ không biết từ bao giờ, tôi đã xem TP này như nhà của mình và tôi đang từng bước góp sức mình để cùng chung tay xây dựng ngôi nhà ấy trở nên xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn. •

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi “Tổ ấm tôi mơ”

Từ ngày 1-7, bạn đọc trẻ của báo Pháp Luật TP.HCM gửi bài viết tham dự cuộc thi “Tổ ấm tôi mơ” sẽ có cơ hội được trao tặng một căn hộ trị giá gần 1 tỉ đồng khi đạt giải cao nhất của cuộc thi.

Đây là cuộc thi viết do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Tập đoàn CT Group tổ chức.

Với slogan “Cùng người trẻ kiến tạo cuộc sống”, cuộc thi tạo sân chơi cho các bạn trẻ thoải mái thể hiện khát khao kiến tạo cuộc sống hiện đại, giàu cảm hứng qua việc viết và thiết kế ngôi nhà mơ ước, tổ ấm yêu thương trong tương lai.

Đối tượng tham gia: Là công dân Việt Nam, độ tuổi từ 22 đến 35 (tính đến thời điểm gửi bài dự thi), hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM; có khát khao và kế hoạch sinh sống, làm việc lâu dài, cống hiến cho sự phát triển của TP.HCM trong tương lai. Người tham gia thuộc diện chưa có nhà ở, đồng thời cũng không có sở hữu bất kỳ bất động sản nào tại TP.HCM hoặc các tỉnh, thành khác…

Người tham gia sẽ trải qua ba vòng thi: Vòng 1: Viết lại giấc mơ; Vòng 2: Hoạ hình giấc mơ; Vòng 3: Chinh phục giấc mơ.

Tất cả tác phẩm gửi về email toamtoimo@phapluattp.vn.

Giải thưởng:

5 giải thưởng chính gồm:

+ Một giải Đặc biệt: Một căn hộ thuộc brand Diyas do CT Group trao tặng

+ Một giải I: 40.000.000 đồng

+ Một giải II: 25.000.000 đồng

+ Một giải III: 15.000.000 đồng.

+ Hai giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải.

Các giải thưởng phụ:

+ Giải bài viết xuất sắc của tháng: 3.000.000 đồng/giải (mỗi tháng sẽ chọn ra tối đa 2 bài viết xuất sắc nhất).

+ Giải ý tưởng “họa hình giấc mơ” (vòng thi số 2) được bạn đọc bình chọn nhiều nhất trên mạng xã hội: 5.000.000 đồng.

+ Giải “nhà thiết kế đồng hành”: 6 giải dành cho 6 nhóm sinh viên tham gia tư vấn, hỗ trợ cho các thí sinh tương ứng với các giải thưởng của các thí sinh, gồm:

+ Một giải Đặc biệt: 10.000.000 đồng.

+ Một giải I: 5.000.000 đồng

+ Một giải II: 3.000.000 đồng.

+ Một giải III: 2.000.000 đồng.

+ Hai giải Khuyến khích: 1.000.000/giải.

+ Ngoài ra, các sinh viên tham gia sẽ được nhận giấy chứng nhận của Ban tổ chức.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, cách thức tham gia cuộc thi, thành phần ban giám khảo cuộc thi… bạn đọc vào website của cuộc thi tại địa chỉ toamtoimo.plo.vn.

Trân trọng mời bạn đọc tham gia cuộc thi!

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI "TỔ ẤM TÔI MƠ"

Tôi tên Đỗ Thị Tuyết Nga, hiện là chuyên viên Phòng tổ chức tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường. Nếu có được ngôi nhà hằng mơ ước, tôi dặn lòng phải xây dựng, chăm sóc ngôi nhà ấy thật tốt, thật kỹ càng.

Trong tương lai, những đứa con của tôi sẽ xem căn nhà ấy thực sự là tổ ấm, là nơi để chúng tôi cùng trở về, cùng quây quần, cùng san sẻ hạnh phúc. Căn nhà cũng là nơi để xoa dịu những mệt mỏi của cuộc sống hằng ngày, giống như ngôi nhà hạnh phúc mà trước đây tôi đã từng mơ ước có được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm