Theo TS Sơn, uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn có thể gây nguy hiểm vì có thể dẫn đến lượng natri trong máu bị tụt xuống thấp. Tình trạng này gọi là hạ natri máu, rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong (ngộ độc nước).
TS Sơn cho biết với loại đồ uống không có cồn, xu hướng tiêu thụ nước khoáng đóng chai và nước ngọt có ga đang tăng. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy các chai nhựa đựng nước thải ra một lượng nhỏ hóa chất trong một thời gian dài. Nước càng giữ lâu trong chai nhựa, thì nồng độ càng cao.
Nguyên liệu làm chai nước có nguồn gốc từ dầu mỏ nên vẫn có thể có những hóa chất độc hại tan trong nước nếu lưu trữ lâu. Ví dụ nồng độ chất antymoni có trong những chai nước để lâu có thể gây buồn nôn, chóng mặt với liều lượng nhỏ và có thể tử vong nếu liều lượng lớn. Thêm vào đó, nếu quy trình xử lý không đảm bảo thì nước đóng chai sẽ không tinh khiết được như các nước khác.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra những thói quen xấu, thậm chí sai lầm trong sử dụng đồ uống hiện nay: Chờ khát mới uống rất nguy hiểm, vì khát là lúc cơ thể đã thiếu nước thời gian dài, để cơ thể thiếu nước quá lâu mới bù nước ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác trong cơ thể; uống nhiều nước cùng một lúc khó hấp thu và có thể gây ngộ độc nước; vừa ăn vừa uống gây hòa loãng dịch vị, kém tiêu hóa vv…
Cũng theo các chuyên gia, mặc dù có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa vitamin thì nước hoa quả vẫn có nhiều hạn chế: Bỏ đi chất xơ là chất rất quan trọng trong trái cây. Khi ép nước trái cây, đường trong trái cây cũng có thể chuyển hóa mau hơn, làm tăng đường huyết đáng kể nếu uống nước ép làm từ các loại rau, quả nhiều đường như củ cải đường hoặc cà rốt, hay nước hoa quả công nghiệp bổ sung đường.
"Do vậy, uống nước hoa quả không phải là cách thải độc cơ thể (detox) hoặc có tác dụng giảm cân giữ dáng. Nước hoa quả công nghiệp cũng có thể gây thừa calo nếu tiêu thụ quá nhiều và có thể chứa hương liệu, chất bảo quản, chất tạo ngọt nhân tạo. Do nhiều đường và acid nên nước hoa quả có thể gây sâu răng, tăng nguy cơ béo phì, ví như nước ép bưởi chứa hàm lượng đường cao hơn 50% so với coca" - TS Sơn cho biết.