Gạo lứt là loại gạo chà dối, khi xay xát, lớp vỏ lụa không bị bỏ đi nên hạt gạo giữ lại được rất nhiều loại vitamin nhóm B như B1, B2, B3, B6, vitamin E, magie, mangan, sắt… Trong đó vitamin B1 và chất xơ trong gạo lứt cao hơn nhiều lần so với gạo trắng.
Có nhiều loại gạo lứt như gạo lứt nâu vàng, nâu đỏ, lứt đỏ, lứt tím...
Gạo lứt rất cứng, do đó trước khi nấu phải ngâm. Thời gian thường là 10-36 giờ tùy loại gạo.
Khi nấu gạo lứt cũng phải cho nhiều nước hơn nấu gạo trắng. Thời gian nấu lâu hơn, khi ăn cũng phải nhai thật kỹ rồi mới nuốt.
Gạo lứt rất tốt nhưng mỗi tuần chỉ nên ăn 2-3 lần như một loại thực phẩm chức năng. Nếu ăn lâu dài sẽ gây tình trạng nặng bụng, khó tiêu.
Với người bình thường, ăn gạo lứt hợp lý sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe. Với những người dùng gạo lứt với mục đích trị bệnh, nên ăn kèm với muối mè vì nó cung cấp cho cơ thể thêm một lượng acid béo không no cần thiết cho người ăn.
Trẻ em, thanh niên đang lớn, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người gầy gò thiếu chất không nên phó mặc sức khỏe bằng việc chỉ ăn gạo lứt vì gạo lứt nhiều khoáng tố nhưng lại rất kém về đạm và chất béo. Nên bổ sung dinh dưỡng từ rau củ, thịt cá…
Gạo lứt có hàm lượng chất xơ cao làm người ăn cảm thấy no lâu do cơ thể phải mất nhiều thời gian để tiêu hóa được lượng chất xơ đó. Do đó, nhiều người chọn ăn gạo lứt để giảm cân.
Nhiều công trình nghiên cứu cũng đã chứng minh được rằng người bệnh tiểu đường sử dụng gạo lứt sẽ cải thiện được sức khỏe. Lý do là lớp cùi của gạo lứt có tác dụng giảm glucose trong máu, cải thiện sự tổng hợp insulin ở người tiểu đường…
Theo Đông y, gạo lứt có tính an thần, thanh nhiệt, trừ phiền. Rất có lợi trong chữa các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, tim mạch…
Cách sử dụng gạo lứt phổ biến nhất là nấu thành cơm cùng một số loại hạt như đậu đỏ, đậu xanh, hạt sen...
Ngoài ra còn có thể chế biến thành sữa gạo lứt, gạo lứt rang ăn liền với muối mè, rong biển…