Ủy ban dỡ đoạn cống, cả xóm phản ứng

“Chỉ trong một năm, địa phương lại có hai quyết định khác nhau, lúc cho tồn tại đoạn cống, lúc bắt dỡ đi. Mà nếu dỡ thì sẽ tạo rãnh nước lớn gây hỏng đường, làm ô nhiễm và nguy hiểm cho trẻ em khu vực…” - nhiều người dân ở khu phố 2, phường Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) phàn nàn.

Ban đầu, ủy ban cho để cống

Bà Lê Thị Mứt (ngụ khu phố 2) kể con đường hẻm 24 nối từ đường Lê Chí Dân thẳng ra sông Sài Gòn được Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hơn năm trước, khi thi công đến đoạn qua trước cửa nhà bà, công trình bỗng dưng bị bỏ dở dang. Từ đây xuất hiện mương nước lộ thiên khiến người dân đi lại khó khăn, gây nguy hiểm cho trẻ em nhất là vào mùa mưa, nước lớn. Thấy vậy, sau khi thuê phần đất của bà để kinh doanh, ông Nguyễn Văn Uyên tự bỏ tiền túi đặt ống cống thoát nước. Bà con trong khu vực mừng lắm vì đường đã trở nên bằng phẳng, đi lại dễ dàng, trẻ em ngày ngày qua lại không còn lo sợ bị lọt mương, lọt nước.

Tuy nhiên, trong khi nhiều người cảm ơn ông Uyên thì một hộ dân trong khu vực lại bảo việc đặt cống như thế này là trái phép, có thể nắn dòng chảy làm ảnh hưởng nhà người này (!?). Nhận được đơn khiếu nại, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Dương xuống xác minh và kết luận có việc đặt cống trái phép, đề nghị khôi phục lại tình trạng ban đầu.


Địa phương quyết định móc đoạn cống lên. Ảnh: VH

Nhiều người dân cho biết sau khi có kết luận của Thanh tra Sở GTVT, người dân ở khu vực không đồng tình. Một người dân bảo: “Ông Uyên có sai sót khi tự ý đặt ống cống nhưng mục đích là tạo thuận tiện cho người dân qua lại, tránh nước tồn đọng ô nhiễm, tránh nguy hiểm cho trẻ con chứ không nhằm mục đích cá nhân. Đây là vì lợi ích chung mà Nhà nước và mọi người dân trong khu vực đều mong muốn. Nó cũng phù hợp với kết cấu đường và tạo được mỹ quan và đặc biệt đem lại sự an toàn cho người dân. Vì những chuyện ganh tị cá nhân mà đòi dỡ cống làm ảnh hưởng đến toàn thể bà con khu xóm là không được...”.

Trước nguyện vọng này, Đội Thanh tra xây dựng TP Thủ Dầu Một kết hợp Phòng Quản lý đô thị và phường Tương Bình Hiệp tiếp tục xuống hiện trường xem xét. Sau đó, các cơ quan nhận định việc ông Uyên san lấp đặt ống cống nhằm mục đích bảo vệ đường giao thông nông thôn không bị sạt lở và thuận tiện cho người dân và các phương tiện lưu thông đi lại dễ dàng, không gây ô nhiễm môi trường... Đồng tình với ý kiến này, UBND TP Thủ Dầu Một ra văn bản xác định đoạn cống ông Uyên lắp đặt nếu tháo dỡ sẽ làm hư hỏng kết cấu và sạt lở đường giao thông nông thôn. Phần cống này cũng không nắn dòng chảy của hệ thống thoát nước, không có khả năng làm ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp của gia đình người khiếu nại lẫn các hộ dân xung quanh. Địa phương cho tồn tại đoạn cống!

Tránh khiếu nại nên móc cống

Người đi khiếu nại trước đó không chấp nhận, tiếp tục yêu cầu tháo dỡ đoạn cống. Điều đáng nói là sau khi nghiên cứu lại, vừa qua, UBND TP Thủ Dầu Một lại yêu cầu ông Uyên phải móc đoạn cống trả lại hiện trạng cũ. Người dân nghe xong rất ngạc nhiên, không hiểu nổi vì sao ủy ban lại có hai quyết định tréo ngoe như vậy.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một Lâm Phi Hùng cho biết: “Thực sự cái đó (đoạn cống) để lại hay không để lại không có ảnh hưởng gì hết. Tuy nhiên, đến bây giờ, ông T. (hộ dân đi khiếu nại) tiếp tục phản ánh yêu cầu chính quyền địa phương phải thực hiện theo văn bản của Thanh tra Sở GTVT buộc ông Uyên tháo ống cống như đã cam kết. Sau đó UBND TP Thủ Dầu Một đã họp với nhiều cơ quan ban ngành và đưa ra thống nhất thực hiện theo văn bản của Sở GTVT. Vì vậy mới có văn bản thứ hai yêu cầu ông Uyên tháo ống cống”.

Chúng tôi đặt câu hỏi: UBND TP Thủ Dầu Một khẳng định việc để đoạn cống không có ảnh hưởng gì đến người dân và khi tháo dỡ làm sạt lở đường giao thông nông thôn... thì tại sao lại phải thực hiện theo đơn khiếu nại của ông T. mà không xem xét đơn xin tồn tại đoạn cống của người dân?

Ông Hùng giải thích về mặt tình, nếu gia đình hai bên thỏa thuận được với nhau thì việc để đoạn cống không có ảnh hưởng gì nhưng bây giờ một bên đã không đồng ý. Thanh tra Sở GTVT cũng đã xác định có việc đặt cống trái phép nên phải thực hiện theo văn bản này thì mới có thể chấm dứt được tình trạng khiếu nại… Địa phương cũng sẽ có kế hoạch khắc phục đường cống sau khi tháo dỡ đoạn người dân tự đặt.

Nhanh chóng làm đường thoát nước mới

Hiện thành phố đã giao cho UBND phường Tương Bình Hiệp có thiết kế và kế hoạch cụ thể để xây dựng đường thoát nước rồi báo cáo lên UBND TP Thủ Dầu Một. Theo báo cáo của ủy ban phường, đoạn ống cống tháo dỡ sẽ được thay thế bằng đường thoát nước máng hở để tránh tình trạng nước chảy không kịp thoát. Việc thực hiện làm đường thoát nước sẽ tiến hành trong những ngày tới.

Ông LÂM PHI HÙNG, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một, Bình Dương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới