Chuyện về những người nghệ sĩ của làng

Gần họ, nghe họ trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề mới hiểu, dù cuộc sống có bao thăng trầm và thay đổi, nhưng những giá trị đang được bảo tồn nơi đây muôn đời bất biến...

Bước lên thủy đình là nghệ sĩ

Phường rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm, Đông Anh có cả thảy 20 diễn viên, người trẻ nhất mới chỉ 20, người già nhất đã bước qua tuổi 55. Mỗi người chọn một nghề để mưu sinh, có người chạy chợ, người ở nhà chăm lo đồng áng, người mở xưởng mộc...

Điệu múa tiên do nghệ nhân Hoàng Kỷ dày công phục hồi
Điệu múa tiên do nghệ nhân Hoàng Kỷ dày công phục hồi

Thế nhưng, khi bước vào thủy đình, mọi lo toan của cuộc sống bên ngoài gần như được họ trút bỏ, để hóa thân, để thổi hồn vào những con rối, để rồi khán giả chỉ thấy một ông Ba Khí (các làng rối khác vẫn gọi là chú Tễu) với vẻ hài hước nhưng không kém phần thâm trầm và sâu sắc, một “Tráng sĩ đả hổ” với những động tác mạnh mẽ, linh hoạt cùng với đó là vẻ oai phong của bà Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi xung trận đánh đuổi giặc ngoại xâm, hay nét dịu dàng đằm thắm của cô Tấm khi vừa bước ra từ quả thị...

Ông Đinh Văn Tráng - một thành viên của phường rối Đào Thục kể rằng, ông không thể nhớ nổi ông đến với rối nước thế nào, mà chỉ nhớ rằng, từ khi 14-15 tuổi đã có thể điều khiển thuần thục những con rối. Rồi cứ thế theo phường đi biểu diễn khắp mọi nơi.

Ngày ấy, cứ làng nào trong vùng mở hội, là phường rối được mời, ngặt một nỗi, những ngày vào hội, lại vào cuối đông, đầu xuân, cái lạnh của miền Bắc khi ấy vẫn còn như cắt da cắt thịt. Thế nhưng, thành viên trong phường, không vì thế mà nản lòng, vẫn cứ ngâm mình dưới nước tới vài tiếng đồng hồ, trong khi “phương tiện” để chống lại cái lạnh duy nhất chỉ là những bát nước mắm pha thêm muối, uống tới đâu vị mặn như cào gan xé ruột đến đó.

Vất vả, không thù lao, nhưng bù lại, cái mà đoàn rối nhận được là những tràng pháo tay không ngớt của người xem cùng ánh mắt rạng ngời như nói lời cảm ơn của đám trẻ con trong làng... Chính những tình cảm đó là lời động viên để lớp sau nối nghề lớp trước. Và vì thế mà rối nước Đào Thục tồn tại, phát triển và vẫn bảo lưu dày dặn các giá trị truyền thống.

Năm 1984 là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự đi lên chuyên nghiệp của phường rối và cho đến nay, cái tài, cái duyên của làng rối Đào Thục đã được khắp trong và ngoài nước biết đến. Mỗi tháng, thủy đình phường rối nằm kề đình làng có trên dưới 15 xuất diễn phục vụ khách du lịch. Thế nhưng, chuyện biểu diễn phục vụ khách du lịch đang là nỗi trăn trở của những nghệ nhân phường rối. Con đường duy nhất vào thôn Đào Thục nằm vắt qua cánh đồng, hẹp, gồ ghề và khó đi.

Xe ôtô nhỏ còn vào được chứ xe to thì... chịu và thế là, chuyện giao thông cũng đang là nỗi ngáng trở trên con đường đi lên chuyên nghiệp của phường rối nước. Ông Nguyễn Văn Quảng - Trưởng phường rối nước Đào Thục thở dài kể, các công ty du lịch thường đặt chương trình đột xuất. Sáng gọi điện, chiều đã diễn, diễn viên của phường rối lại thường đi làm ở tỉnh xa, gọi về không kịp, có khi phải hủy chương trình.

Hiện, mỗi buổi diễn dài chừng 45 phút, phường rối nhận được từ các công ty du lịch tròn 750 nghìn đồng. Với số tiền này, trừ mọi khoản chi phí trang thiết bị, làm con rối mới... lương cho diễn viên còn lại chả đáng bao nhiêu. Ông Quảng bảo, “chúng tôi diễn vì lòng yêu nghề và vì sự tồn tại của rối nước Đào Thục”.

Vị đại tá già và tâm huyết giữ lửa ca trù

Nghệ nhân Hoàng Kỷ
Nghệ nhân Hoàng Kỷ

Người dân làng Lỗ Khê, Liên Hà, Đông Anh không ai không biết đến tiếng nghệ nhân ca trù Hoàng Kỷ, gần 20 năm nay, kể từ khi về hưu ông miệt mài nghiên cứu về ca trù, viết sử giáo phường ca trù Lỗ Khê, phục hồi các điệu múa cổ gắn liền với ca trù như múa tiên, múa tứ linh, biên soạn thể thức lề lối hát Cửa đình dạy cho lớp trẻ...

Đến với ca trù từ năm 12 tuổi, ngày đó, nghệ nhân Hoàng Kỷ được tuyển vào phường bát âm thổi sáo, kéo nhị và đánh sinh tiền phục vụ nghi lễ tế thần của làng. Những nghi thức xưa thường kéo dài tới 10-17 ngày và cứ vào hội là Lỗ Khê lại hát ca trù.

Những lần đi phục vụ đó ngấm dần vào da vào thịt ông và âm ỉ “cháy” trong suốt 40 năm ông công tác trong ngành quân đội, để rồi vào năm 1990 khi ông về hưu, những đốm lửa đó mới có dịp thổi bùng lên.

Vốn giỏi tiếng Hán, ông mày mò đọc sách, tìm gặp các nghệ nhân, đào nương, kép hát... ghi lại những hồi ức của họ về ca trù rồi từ đó cho ra đời cuốn “Lịch sử phát triển 600 năm giáo phường Lỗ Khê - Liên Hà”. Bao nhiêu lương hưu của mình, ông dành để in ấn tài liệu, rồi phát miễn phí cho những người muốn tìm hiểu về ca trù.

Những điệu múa cổ của ca trù ăn sâu trong tiềm thức từ mấy chục năm qua đã được ông khôi phục lại. Sự xuất hiện của những điệu múa đó trong Liên hoan múa cổ Thăng Long như một sự ghi nhận cho những đóng góp của ông trong việc phục hồi các giá trị truyền thống.

Bước qua tuổi 82, nghệ nhân Hoàng Kỷ giờ đang phải chống chọi những biến chứng của căn bệnh tiểu đường, một bên mắt ông đã mờ, lại thêm, từ thắt lưng trở xuống bỗng dưng tê dại. Thế nhưng, dường như mọi bệnh tật đều không ngăn được những tâm huyết mà ông đang theo đuổi và quyết tâm thực hiện bằng được.

Không thể ra đình dạy học như trước, ông mở lớp dạy ca trù, dạy múa miễn phí cho lớp trẻ ngay tại sân nhà mình. Tối tối, ông vẫn chống gậy đi vòng quanh sân nhà chỉnh sửa từng động tác cho 20 em nhỏ đang theo học. Mặc dù như ông nói “đi vài vòng quanh sân là xây xẩm mặt mày” nhưng lớp học của ông ngày nào cũng sáng đèn.

Khi được hỏi giờ đây điều gì làm ông sợ nhất, không đắn đo, ông bảo đó là sợ sự đứt đoạn, sợ sự thờ ơ của lớp trẻ đối với những giá trị truyền thống mà các lớp nghệ nhân đã dày công tạo dựng.

Theo Quỳnh Vân (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm