Ốc lể len khắp xóm khắp đường bởi tiếng rao “ ốc lể”, “ốc lể”,... Khác với tiếng rao món hàng rong khác còn ngân lên ngắt xuống có nhịp có điệu; chớ ốc lể thì nghe...ngắn tủn mỗi “ ốc lể” cái ngắt cái rụp, chặp sau nghe lại “ ốc lể”.
Rứa đó mà nghe ... dài trong suốt buổi trưa uể oải nắng, khó lẫn với món khác, gợi nhớ một món đặc sản biển như chỉ dành cho thị dân nghèo phố biển ngày xưa.
Ốc lể còn được gọi là ốc gạo, bởi sinh ra nhiều như gạo
Ốc lể còn được gọi ốc gạo, bởi sinh ra nhiều như gạo, đong đếm để bán bằng lon sữa Ông Thọ cũ hay dùng đong gạo. Ốc đầu mùa nhỏ nhỏ chứ giữa mùa ốc to bằng móng tay người lớn, lớn tới đận đó là ốc già tới, ăn vừa ngọt vừa béo míp.
Xóm nhỏ Thanh Bình tôi ngày ấy là một xóm thanh bình đúng nghĩa. Thật vậy, lớn lên đi ra nhiều nơi, ăn cơm khắp chốn, rồi mới ngộ ra một điều cái xóm nhỏ đó hiền lành thật, đúng tên...thanh bình. Trưa về mùa ốc lể cả xóm...lể ốc; món quà vặt rẻ tiền mà hấp dẫn các bà các mẹ cùng bọn trẻ con được tham gia triệt để trong những trưa hè. Chúng sẽ không phải ngủ trưa, cái giấc trưa mà phải đe nẹt bằng cái roi nhịp nhịp bên cạnh bầy trẻ sắp hàng ngang trên giường. Bởi mẹ chúng cũng...ghiền ốc lể và chỉ giờ trưa mới rỗi để...lể.
Ốc sống từ biển được mua về ngâm với nước muối pha loãng tí cho ốc nhả cát còn trong miệng ốc, sau đó xóc vào nồi bỏ sả băm nhỏ, chút ớt, chút muối, phi chút dầu hành cho thơm, xóc trên bếp đỏ lửa đậy nắp kín thì chỉ 5 phút là chín tới; đừng để lâu, ốc mất ngọt. Món ốc lể ngon đặc biệt lắm, bởi thịt ốc nhỏ xíu mà béo ngọt, đậm vị.
Dụng cụ ăn ốc lể là gai cây chanh; lấy cái gai khều con ốc, ốc tươi nấu chín tới, khều là ốc đi luôn cả cái đuôi béo míp, cái đuôi này mới ngon; hương vị hấp dẫn của con ốc là nhờ cái đuôi beo béo ấy.
Ốc lể xâu sợi thành những bức màn
Nhớ những trưa nắng như thế bọn trẻ con chúng tôi đã không phơi đầu nắng đi tìm trái me dốp hay hái trái bàng, trái khế chua, ổi sẻ...thì được ngồi cùng các mẹ các bà lể ốc. Ốc lể xong thì vỏ cũng nện đầy đường đất; những con ốc to được giữ lại, lọc rửa sạch phơi khô xâu sợi cước thành những bức màn, rèm cửa, rèm che trước bàn thờ của những ngôi nhà nhỏ trong xóm nhỏ.
Lâu lắm tôi không còn được nhìn những bức rèm cửa như thế nữa, nỗi nhớ đau đáu. Xóm tôi ngày đó nhà nào cũng có cái rèm vậy; những con ốc hồng hồng, xam xám, xây bức rèm nặng nặng, gió có thổi thì tự những dây rèm va vào nhau lên tiếng reng reng nhỏ mà trong, âm thanh vui tai như biển rì rào, thứ âm thanh không đủ thánh thót như chuông gió mà lại rộn ràng âm ấm của biển cả lao xao.
Những ngôi nhà nghèo trong cái xóm nghèo, chúng tôi đã sống trong con ngõ đó, ăn những thức ăn theo mùa của biển và đến bây giờ tôi nhận ra họ hiền lành chân chất và con ngõ hình như cũng không nghe một ai đau ốm bệnh hiểm nghèo mà mất sớm, những ông bác bà bác đều sống thọ đến nay cùng con cháu.
Ăn ốc lể quá mất thời giờ mà thèm mãi không thôi
Ốc lể được xếp vào hàng cấp thấp trong những món ăn của biển; bởi ăn ốc lể quá mất thì giờ và cánh đàn ông ngày xưa vẫn xếp ốc lể là món của phụ nữ...ngồi lê! Nay thì ốc lể cũng không lên được hạng ngạch nào bởi thời gian, vậy chớ với một số người ốc lể vẫn là món ngon không thể nào quên mỗi khi mùa đến; một lon ốc lể đã pha chế có giá 40 đến 50 ngàn.
Người bán luộc ốc chín, để trên bếp lửa; bên cạnh là sả xắt nhỏ, ớt bột, mắm, gia vị, và một túm gai chanh. Món ốc lể vẫn khó thể quên trong trí nhớ người dân miệt biển như tôi...
(PLO)- “...Tháng Tư loa kèn mỏng manh, những góc phố con đường quen…”. (Giáng Son)