Một đời âm nhạc của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Nói về những nhạc phẩm của cố nhạc sĩ của Dư âm, trong Nhạc sĩ sáng tác Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đã ghi lại dấu ấn âm nhạc của Nguyễn Văn Tý: “Anh là một trong số những nhạc sĩ được đông đảo quần chúng ưa thích bởi phong vị dân ca đậm đà trong những sáng tác của mình”. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và nhạc sĩ Phạm Duy. (Ảnh chụp lại tại nhà riêng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý). Ảnh: ĐÌNH BA

Duyên âm nhạc từ cha

Để lại cho nền âm nhạc nước nhà một gia tài nhạc phẩm đồ sộ và xuyên suốt, hẳn ta sẽ rất chú ý đến gốc nguồn cho thành hình một Nguyễn Văn Tý - nhạc sĩ. Trái với lối suy nghĩ logic về việc được đào tạo bài bản, được theo thầy nọ thầy kia mà “nên thân”, con đường đến với âm nhạc của Nguyễn Văn Tý lại thật sự giản đơn hơn bao giờ hết. Ấy là từ người cha yêu âm nhạc.

Khi viết hồi ký Nguyễn Văn Tý tự họa, tác giả của Dáng đứng Bến Tre đã không quên thuở ban đầu đến với âm nhạc, mà trước hết là vùng đất “quê cha đất tổ” của mình.

Quê gốc của Nguyễn Văn Tý thuộc huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội. Đất ấy là vùng đất của những hát xoan, hát ghẹo, của những hát chèo, hát văn…

Chẳng chỉ vì tiếng đàn của cha ru bé Tý vào giấc mộng con, mà còn nhiều hơn thế nữa. Cha chính là người có nhiều ảnh hưởng đến lựa chọn con đường đi sau này của vị nhạc sĩ tương lai.

Dù làm thợ máy tại nhà máy xe lửa Trường Thi nơi thành phố Vinh tỉnh Nghệ nhưng như Nguyễn Văn Tý tâm sự: “Bố tôi thời trai trẻ vốn làm Trù bát âm (đầu đàn ban nhạc bát âm và thầy dạy nhạc bát âm). Đồng thời ông còn là thầy đàn hát văn là đàn đáy trong nhóm hát Ả đào”.

Trong nhà trên tường đủ những loại đàn dân tộc như nhị, hồ, đàn tranh, đàn nguyệt… được cha sưu tầm. Mỗi tối thứ Bảy hằng tuần, ông còn tập hợp bạn bè để cùng hát chèo, dựng vở, dựng rạp diễn cho bà con thưởng thức văn nghệ.

Sống trong cái không khí thấm đẫm âm nhạc, tuồng tích ấy, trí trẻ thơ non nớt như tờ giấy trắng của Tý nào có thể không bị ảnh hưởng những giai điệu âm nhạc đầu đời.

Chân dung nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. (Chụp lại tại nhà riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý). Ảnh: ĐÌNH BA

Yêu âm nhạc, cha đã dạy cho cậu bé Tý tập hát những bài cổ bản, nào là “Kim tiền”, “Lưu thủy” nào là “Huê tình”, “Hành vân”… để rồi những ngón đàn cứ làm mê hoặc dần chú bé và không chỉ thế, ảnh hưởng sâu đậm trong những sáng tác sau này của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Bởi vậy trong tác phẩm Nhạc sĩ sáng tác Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đã lưu ý rằng một trong những nét riêng làm nên phong cách Nguyễn Văn Tý, ấy là nhiều ca khúc của ông thấm đẫm chất dân ca.

Lại nói về người cha, ngỡ dạy con chơi đàn làm vui nhưng rồi thấy được tình yêu âm nhạc cùng khả năng của con, ông lấy làm lo lắng, không muốn sau này con mình đi theo cái nghiệp mà tâm lý xã hội xưa kia xem là kiếp “xướng ca vô loài”.

Khi con theo học ở Quốc học Vinh năm thứ ba, dự cảm điều không ổn về tiền đồ của con trai, người cha đã phá hủy những nhạc cụ mình có, những mong dần dà con lơi dần âm nhạc mà quên đi. Nhưng đã quá muộn, duyên âm nhạc quện chặt Tý từ trước đó rồi.

Từ Hà Tĩnh đến Bến Tre

Sau lần thi văn nghệ và đoạt giải nhất văn nghệ Trường Quốc học, đến đầu năm thứ tư, Nguyễn Văn Tý cùng bạn học tên Nha lần đầu tiên ra trước sân khấu chuyên nghiệp thử sức khi hát tại rạp Đại Nam (Vinh).

Năm 1944, ở tuổi đôi mươi, Nguyễn Văn Tý hoạt động Việt Minh với hình thức công khai thông qua việc đi hát. Riêng nghiệp sáng tác, phải đến dạo 1948-1949, những nhạc phẩm đầu tay như Ai xây chiến lũy, Chiếc áo cánh phin mới là khởi đầu cho một chặng đường dài cùng khuông nhạc của chàng nhạc sĩ tài hoa.

Khá thú vị khi ta biết được rằng trong cuộc đời của người nhạc sĩ họ Nguyễn, mỗi khi đặt chân đến một vùng đất nào, ông lại cũng hầu như có nhạc phẩm về vùng đất đó. Và đó lại là những bài hát hay, toát lên được hồn đất, hồn người nơi ông qua. Dễ cảm, dễ thấm khi ca từ mang đúng âm hưởng phương ngữ nơi ấy.

Nhạc phẩm Một khúc tâm tình của người Hà TĩnhẢnh: ĐÌNH BA

Chẳng nói đâu xa, năm 1974, nhạc phẩm Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh được ra đời với giai điệu, lời hát tự nhiên hồn hậu thấm vào lòng người: Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La, nhớ biển rộng mà quê ta…

Chính tình yêu của tác giả với mảnh đất núi Hồng, sông La đã sinh ra bài hát mà cho đến nay khi hát về Hà Tĩnh, khó có bài hát nào vượt qua nổi. Với Nguyễn Văn Tý, ông lý giải cho tình yêu ấy rằng: “Không biết cái duyên gì đã lại ràng buộc tôi với Hà Tĩnh nhiều hơn Nghệ An. Bởi vậy mà tôi đã yêu Hà Tĩnh nhiều hơn. Đâu có gì là lạ! Và nếu tôi có xem Hà Tĩnh như quê mình, để yêu cho trọn nghĩa, trọn tình thì đâu cũng phải là điều khó hiểu…”.

Dạo về với xứ dừa Bến Tre năm 1980, được ăn ở, được tiếp xúc với người dân đất “Đồng khởi” anh hùng, ông nắm bắt ngay nét riêng của đất này và không lâu sau đó Dáng đứng Bến Tre ra đời. 

Ấy nhưng như chính lời tâm sự của ông trong hồi ký Nguyễn Văn Tý tự họa, bài hát không được biết đến nhiều ở chính mảnh đất nó sinh ra. Phải đến năm 1981 tại Liên hoan Ca múa các tỉnh phía Nam tổ chức tại TP.HCM, qua giọng hát của Thu Nở cùng huy chương vàng đơn ca nữ cho nữ ca sĩ, nhạc phẩm Dáng đứng Bến Tre từ đó mới được biết đến rộng rãi chẳng chỉ ở Bến Tre, mà trên khắp cả nước.

Như trên là hai vùng đất ông để lại những nhạc phẩm nổi tiếng. Tìm hiểu thêm, ta có thể thấy với những địa phương tương tự. Chẳng hạn khi đến với Tây Ninh năm 1984, ông có ca khúc Về thăm lại đất Gò Dầu; về Cửa Lò năm 1996 có bài Thăm biển Cửa Lò hoặc lúc đi Quy Nhơn về đã có Yến hát tạ ơn Quy Nhơn Bình Định…

Âm nhạc những “dư âm” để lại

Được mọi người biết đến với nhạc phẩm Dư âm (1950), trong cuốn Nhạc sĩ sáng tác Việt Nam cho hay với bài ấy, Nguyễn Văn Tý “là người sáng tác muộn nhất trong dòng nhạc lãng mạn”. Nhưng ở chiều ngược lại, ông lại là người sớm “đưa âm điệu dân ca vào nhạc mới cách mạng kể từ bài Mùa hoa nở (1950) và Vượt trùng dương (1952)”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại nhà riêng. Ảnh: KIỀU MAI SƠN

Ngoài sự nghiệp âm nhạc của cá nhân, Nguyễn Văn Tý còn là một trong những người tham gia sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam và là thành viên của Ban Chấp hành hội khóa đầu tiên.

Trong khuôn khổ câu chữ có hạn, chúng ta không làm một liệt kê những tác phẩm của cố nhạc sĩ, mà ở đây là một vài điểm xuyết dấu ấn âm nhạc của đời ông.

Theo đó, khi nói đến Nguyễn Văn Tý, là nhắc nhớ đến những nhạc phẩm gắn liền với tên tuổi của ông như: Dư âm (1950), Mẹ yêu con (1956), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (1973), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (1974), Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (1976), Cô đi nuôi dạy trẻ (1980), Dáng đứng Bến Tre (1980), Hát về thành phố biển dầu (1984)…

Những năm cuối đời, nơi căn nhà tọa lạc trong hẻm nhỏ của đường Trần Khắc Chân, quận 1, TP.HCM, người nhạc sĩ già dù còn minh mẫn nhưng bị bệnh tật hành hạ, đã sống những ngày tháng cuối cùng trong lặng lẽ trên giường bệnh.

Rời cõi trần ngày 26-12-2019, người nhạc sĩ sinh năm Giáp Tý (1924) qua 96 năm cuộc đời gắn mình với âm nhạc. Chiếc lá vàng nay đã rụng về cội nhưng ông có thể ra đi thanh thản khi gia tài âm nhạc để lại cho đời, chắc chắn vẫn mãi được trân trọng.

Và ông, có một vị trí riêng trong ngôi đền âm nhạc Việt Nam với những nhạc phẩm được Nhạc sĩ sáng tác Việt Nam ghi là “có một điểm chung là đều mang phong cách riêng biệt của Nguyễn Văn Tý: trữ tình, mượt mà, đậm màu sắc dân ca”.

Đọc thêm: 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm