Nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ: Biển ở Trường Sa mặn hơn bởi nước mắt

(PLO)- Nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ nói biển ở Trường Sa mặn hơn bởi những giọt nước mắt của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo và hàng nghìn người con Việt Nam. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-3, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Dự án Sách nhà mình và Trường Trung học Vinschool Times City tổ chức chương trình giao lưu Trường Sa nơi ta đến.

Sự kiện diễn ra nhân dịp Tháng Thanh niên, kỉ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26-3-1931 – 26-3-2025).

Tại buổi giao lưu, các học sinh của trường đã lắng nghe chia sẻ của các khách mời, những nhà văn, nhà thơ và nhà báo có các tác phẩm viết về Trường Sa: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả cuốn Đảo chìm; nhà báo Nguyễn Mỹ Trà, tác giả của Trường Sa – Nơi ta đếnnhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ với Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ
Nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ chia sẻ với các bạn đọc về Trường Sa. Ảnh: VT.

Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, các khách mời là 3 thế hệ cùng viết về Trường Sa. Tác giả của Đảo Chìm cũng chia sẻ câu chuyện về tác nghiệp của nhà báo Mỹ Trà ở vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Tiếp lời, nhà báo Mỹ Trà cũng kể lại những kỷ niệm khi chị tác nghiệp ở Trường Sa, những khoảnh khắc thiêng liêng được chị ghi lại qua ống kính của mình.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ, một người lính có nhiều năm gắn bó với Trường Sa cũng đưa đến với các em học sinh những câu chuyện đẹp về biển, những khoảnh khắc thú vị, kỳ lạ trên hải trình của mình.

"Biển ở Trường Sa mặn hơn những vùng biển khác. Biển mặn hơn bởi những giọt nước mắt của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo và hàng nghìn những người con Việt Nam có mặt ở Trường Sa mỗi năm”- anh nói.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thuỷ cũng khẳng định xã hội phát triển đến đâu, công nghệ có tiến bộ đến đâu chúng ta cũng sống bằng cảm xúc của chính mình. Anh cũng kể về việc có người lính đã quen với sóng gió Trường Sa, nhưng khi đi trực vẫn cầm theo một cái xô để nôn.

“Tất cả các em có thể trở thành những công dân toàn cầu như kỳ vọng, nhưng các em cũng có cơ hội đến với Trường Sa. Đảng và nhà nước ta vẫn có những chuyến tàu đưa kiều bào ra Trường Sa”- anh chia sẻ.

Nhìn thấy những giọt nước mắt của các em, nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ nói: ‘Tại hội trường hôm nay, tôi đã thấy những giọt nước mắt Trường Sa”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm