Thiết kế “trên bến dưới thuyền” hài hòa cho bến Bạch Đằng

Sáng 9-3, nhóm nghiên cứu Khoa văn hóa học thuộc ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với hiện trạng cảnh quan bến Bạch Đằng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, cựu nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, người nghiên cứu về lịch sử Sài Gòn, chia sẻ: Việc lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, nếu diễn ra sớm hơn thì việc chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng sẽ càng hoàn thiện, thành công hơn nữa.

Cựu nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến

Phải định nghĩa cho rõ đâu là bến Bạch Đằng

. Phóng viên: Thưa ông, tôi nghe báo, đài và người dân hay nói đến bến Bạch Đằng với khu công viên, tượng Đức thánh Trần hay Công trường Mê Linh... Vậy phạm vi của bến Bạch Đằng nên được hiểu thế nào?

+ Ông Trần Hữu Phúc Tiến: Về mặt lịch sử thì đoạn đường mang tên bến Bạch Đằng bắt đầu từ Ba Son qua Công trường Mê Linh - tượng Trần Hưng Đạo cho đến cột cờ Thủ Ngữ. Khu vực từ cột cờ Thủ Ngữ dọc theo bờ kênh Bến Nghé cho đến Cầu Móng, Ngân hàng Nhà nước, Hội trường Diên Hồng (nay là trụ sở Sàn giao dịch chứng khoán), cuối cùng là chợ Nancy (nay là đầu cầu Nguyễn Văn Cừ) mang tên là bến Chương Dương. Sau bến Chương Dương là bến Hàm Tử... Cách gọi như vậy có từ sau năm 1955, còn trước đó, thời Pháp họ đặt tên khác nhau theo từng thời kỳ.

Chẳng hạn, trước năm 1870, con đường từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng và Tôn Đức Thắng kéo đến Ba Son hiện giờ từng có tên là Citadelle (Thành trì). Sau đó, người Pháp đặt tên đường từ Ba Son đến cột cờ Thủ Ngữ là đại lộ Napoleon. Và rồi những năm sau, từ Ba Son đến khu vực Cầu Móng lại chia ra nhiều đoạn gọi là quai (bến), mỗi đoạn là một bến tàu khác nhau.

Thí dụ trước Bộ Tư lệnh Hải quân là bến quân sự, trước khách sạn Majestic là bến của hãng tàu Chargeurs Réunis. Do vậy, nếu tính từ năm 1955 và dựa theo khung cảnh lịch sử của các bến thuyền thì ngày nay có thể xác định bến Bạch Đằng là không gian dọc bờ sông bắt đầu từ Ba Son (chân cầu Thủ Thiêm 2) qua đến Bộ Tư lệnh Hải quân rồi chạy thẳng ra cột cờ Thủ Ngữ.

. Bến Bạch Đằng nằm dọc bờ sông Sài Gòn nên gắn với tàu thuyền. Người dân cũng rất tò mò muốn biết về lịch sử sinh hoạt tại các bến tàu này, ông có thể chia sẻ?

+ Bờ sông Sài Gòn ở khu trung tâm, nay là bến Bạch Đằng, từ xa xưa được người dân gọi dân dã là vàm Bến Nghé, hay giản dị hơn là bến tàu.

Dòng sông Sài Gòn ở khu vực vàm Bến Nghé vừa rộng vừa sâu, có đến hơn 40 m. Cho nên từ thời nhà Nguyễn, thời Pháp đã quy định nơi đây là bến tàu chở khách, chở hàng. Đồng thời, nơi đây từng có bến đò qua Thủ Thiêm, sau đó chuyển thành bến phà. Còn cột cờ Thủ Ngữ và nhà Hải Quan chính là dấu tích của việc kiểm soát tàu thuyền và thu thuế giao thương xuyên suốt từ thế kỷ 17.

Qua những tư liệu lịch sử, hình ảnh để lại đã cho thấy bến Bạch Đằng là nơi chứng kiến các hoạt động đời sống, giao thương của người dân TP cũng như khách từ nơi khác đến. Cho đến những năm 1990, tại đây vẫn có tàu thuyền qua lại, có khách sạn nổi, nhà hàng nổi, những chiếc đò, thuyền, ca nô chở khách du lịch. Và bây giờ, nơi đây có hai bến tàu là buýt đường sông (water bus) và bến tàu cao tốc Greenlines.

Nhiều người dân đến tham quan khu bến Bạch Đằng sau khi được chỉnh trang và đi vào hoạt động từ đầu năm 2022. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Nghiên cứu để “trên bến dưới thuyền” hài hòa

. Ngay khu trung tâm TP vẫn có bến tàu thuyền, như vậy theo ông sẽ mang lại những giá trị gì cho người dân và khách đến tham quan?

+ Theo tôi, cảnh “trên bến dưới thuyền” không có gì mới mẻ, đó là điều vốn có của Sài Gòn và là đặc trưng, bản sắc độc đáo của đô thị. Ở nhiều nước, các đô thị nằm ven sông, ven biển có bến tàu thuyền ngay trung tâm là chuyện rất bình thường và là tiện nghi trong đời sống đô thị cần duy trì. Chúng ta không nên nghĩ rằng bến Bạch Đằng chỉ là công viên cho người ta dạo chơi, ngắm cảnh mà không sử dụng phương tiện tàu thuyền. Vấn đề là sử dụng với quy mô nào, mức độ cỡ nào, khi nào..., chuyện đó chúng ta cần phải bàn bạc kỹ.

. Ông có gợi ý gì để phát triển “trên bến dưới thuyền” tới đây độc đáo, hấp dẫn và hiện đại hơn?

+ Hiện tại, chúng ta đang có bến water bus đi trong nội thị, bến tàu cao tốc Greenlines đi Cần Giờ, Vũng Tàu và các tỉnh. Trước đây khi thiết kế hai bến tàu này, ta chưa tính đến việc chúng nằm trong tổng thể công viên mới. Còn bây giờ bến Bạch Đằng đã là công viên lớn thì vẫn nên duy trì hai bến tàu nhưng cần điều chỉnh lại thiết kế. Mặt tiền của những công trình này cần chỉnh trang sao cho nhẹ nhàng, thanh thoát, không lấn át hình ảnh bờ sông thiên nhiên. Mặt khác, cần chú ý tầm nhìn và cảnh quan từ mặt sông.

Thí dụ với bến water bus, nếu họ thiết kế quá nhiều giàn giáo che chắn thì khi đi trên sông chúng ta sẽ không thấy được tượng Đức thánh Trần. Hay như bến tàu cao tốc Greenlines nếu làm đồ sộ sẽ che khuất hình ảnh công viên cũng như những tòa cao ốc, tòa nhà bên kia đường. Thật ra, chúng ta có thể thấy một hình mẫu ở Đà Nẵng, đó là con đường và công viên chạy dọc bên sông cũng mang tên Bạch Đằng. Sau khi chỉnh trang, nơi đây là một công trình rất đẹp và vẫn có chỗ làm bến thuyền du lịch. Nhiều TP khác trên thế giới cũng có cảnh quan và công trình tương tự.

Mong các nhà chuyên môn, các kiến trúc sư sớm vào cuộc để lo việc thiết kế, mỹ thuật, làm sao cho bến Bạch Đằng đẹp hơn và hiệu quả hơn.

. Xin cám ơn ông.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm