Vĩnh biệt nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, người nhắc nhớ 'còn gặp nhau thì hãy cứ vui'

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vừa trút hơi thở cuối cùng vào 4 giờ sáng nay (24-12) sau thời gian dài nhiều bệnh nền, tuổi cao sức yếu. Trong đợt giãn cách xã hội vì đại dịch, nhà thơ nhiều lần phải ra vào bệnh viện điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt.

Nhà thơ tên đầy đủ là Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, sinh năm 1935 tại Vỹ Dạ - Huế. Dòng tộc của nhà thơ Hỷ Khương có đến năm đời đều theo văn nghiệp từ ông cố Tuy Lý Vương, ông nội Hồng Thiết; riêng nhà thơ Hỷ Khương là con gái của nhà thơ nổi tiếng Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Chính nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị là người đã dạy con gái cách gieo vần thơ Đường luật.

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương. Ảnh: Tư liệu gia đình

Tên tuổi nhà thơ Hỷ Khương đã nổi tiếng trên văn đàn miền Nam từ những năm trước 1975. Đó là một giọng thơ riêng biệt, sử dụng nhiều tuồng tích cổ với tinh thần Đông phương.

Nhiều người thuộc nằm lòng bài thơ Còn gặp nhau của bà, với những câu đi vào lòng người: "Còn gặp nhau thì hãy cứ vui. Chuyện đời như nước chảy hoa trôi. Lợi danh như bóng mây chìm nổi. Chỉ có tình thương để lại đời".

Cuộc đời của nhà thơ Hỷ Khương đúng là một nhà thơ khi luôn đau đáu với mạch nguồn thơ của dòng tộc, thi đàn miền Nam và cả những hoạt động để gìn giữ văn hoá dân tộc truyền thống.

Nhà thơ Hỷ Khương sinh ra, lớn lên ở Huế. Bà học trường Trung học Đồng Khánh (Huế) đến cuối năm thứ tư thì chuyển vào Sài Gòn học trường Quốc gia Âm nhạc. Tuy nhiên, cụ Ưng Bình không thể sống xa con nên con gái Hỷ Khương phải trở về Huế chăm cha.

Năm 1960, nhà thơ Hỷ Khương chăm sóc cha và thực hiện tập thơ Đời Thúc Giạ tập hợp các tác phẩm của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Tập thơ phát hành năm 1961, cũng là năm nhà thơ Ưng Bình qua đời. Sau khi cha qua đời, nhà thơ Hỷ Khương rời Huế định cư ở Sài Gòn.

Giáo sư Trần Văn Khê và nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tại tư gia giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: Tư liệu gia đình

Sài Gòn chính là mảnh đất hình thành tên tuổi nhà thơ Hỷ Khương khi tham gia Tao Đàn Bạch Nga, Thi đàn Quỳnh Dao và cộng tác với nhiều tờ báo danh tiếng thời bấy giờ. Trong đó tạp chí Phổ Thông là nơi nhà thơ Hỷ Khương in thơ nhiều nhất.

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương cũng có mối thâm tình với cố Giáo sư Trần Văn Khê; cả hai cùng kết nghĩa huynh muội và có nhiều buổi trò chuyện với công chúng về thơ, ẩm thực và văn hóa dân tộc.

Hôm qua (23-12), một quỹ học bổng mang tên hiền huynh của nhà thơ Hỷ Khương – Quỹ học bổng Trần Văn Khê ra đời; hôm nay công chúng nói lời tiễn biệt hiền muội của cố giáo sư. Xin vĩnh biệt nhà thơ Hỷ Khương, người để lại đời tình thương và những câu thơ như lời cho nhau đậm tình: “Lợi danh như bóng mây chìm nổi. Chỉ có tình thương để lại đời…”

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã in nhiều tập thơ: Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng khuâng tình khúc (2001), Hãy cho nhau (2004), Nước vẫn xanh dòng (2004)…

Hiện linh cữu nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đang được quàn tại nhà (339/10 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3, TP.HCM).

Lễ viếng bắt đầu từ chiều nay (24-12). Linh cữu sẽ được di quan, đưa đi hoả táng vào 8 giờ sáng ngày chủ nhật 26-12 tại Bình Hưng Hòa (TP.HCM).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm