Trên giường bệnh Giáo sư Trần Văn Khê nhớ tiếng đờn...

Nghe tiếng đờn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tặng bạn tri âm Giáo sư Trần Văn Khê ngày 10-6-2015 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Giáo sư (GS) Khê nhập viện từ ngày 27-5 với nhiều căn bệnh. Dù không phải là lần đầu tiên nhập viện vì tuổi cao kèm với những bệnh có sẵn như viêm phổi, suy tim, suy thận… nhưng có lẽ đây là lần nằm viện lâu nhất từ trước đến nay của ông.

Không lỗi hẹn dù trên giường bệnh

Nhưng mỗi bận nằm viện là mỗi bận ông thấy cần phải làm nhiều nhiều hơn nữa những việc đang dang dở. Anh Hồ Nhựt Quang (một học trò của GS Trần Văn Khê, người luôn túc trực ở bệnh viện bên GS những ngày qua - PV) cho biết: “Trong lần nằm viện vào tháng 9-2014, lúc đó thầy đang hướng dẫn tôi về nghệ thuật cải lương nhưng rồi thầy bệnh. Chỉ một ngày sau khi nhập viện, thầy đã gọi tôi bảo kêu người quay phim, sổ ghi chép… vào để cần thêm những gì cho chuyên đề của tôi làm thì làm cho hoàn thành. Dù trên giường bệnh nhưng thầy vẫn luôn cố gắng để không bao giờ lỗi hẹn với khán giả, với học trò…”.

Và trong những ngày tháng 6 này, dự kiến vào ngày 24-6, GS Trần Văn Khê cùng anh Hồ Nhựt Quang sẽ tổ chức buổi sinh hoạt định kỳ tại tư gia GS Khê về chủ đề So sánh hát bội và cải lương nhưng rồi ông ngã bệnh nên kế hoạch này đành tạm hoãn. Chủ đề So sánh hát bội và cải lương là một trong tám chủ đề định kỳ trong chuỗi Vinh danh văn hóa Nam Bộ được tổ chức từ năm 2014 đến nay tại tư gia GS Khê.

Trong tuần đầu tiên nhập viện và còn tỉnh táo, GS Khê lo sợ ngày ông bệnh trở nặng sẽ ảnh hưởng đến những kỳ cuối cùng của chuỗi Vinh danh văn hóa Nam Bộ. Vì vậy, ngay trên giường bệnh, ông lại tiếp tục yêu cầu anh Nhựt Quang ghi lại những điều ông tâm huyết về So sánh hát bội và cải lương. Ông cũng cẩn trọng gửi gắm nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo thay ông nói chuyện về chuyên đề cuối cùng là Đạo của nghề hát.

Trong những ngày này, GS Trần Văn Khê (trái) mong nghe tiếng đờn của người bạn tri âm là nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (phải). Ảnh: NGUYỄN Á

Mong nghe đờn của Vĩnh Bảo

Nghe tiếng đờn ghi âm Nhạc sư Vĩnh Bảo tặng bạn tri âm GS Trần Văn Khê

“Nhựt Quang và Na (người luôn bên cạnh ông - PV) túc trực săn sóc thầy Khê. Tôi cùng bà xã lo nấu ăn trưa và chiều cho các cháu khi đến chăm thầy” - TS Nguyễn Nhã, một trong những người đầu tiên đến thăm bệnh GS Khê, kể.

“Cho đến giờ, GS Trần Văn Khê luôn nghĩ cho người khác hơn là bản thân mình” - TS Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, nói với nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng trong khi chờ thăm GS Khê vào trưa 11-6.

Quả thật ông không muốn phiền ai, bởi ngay với việc đại sự cuối đời là một tang lễ cho mình ông cũng đã chuẩn bị trước với một bản di ngôn. Theo di ngôn thì ban tang lễ của ông đầu tiên sẽ là con trai trưởng GS-TS Trần Quang Hải, sau đó là các bạn bè thân thuộc bên ông như vợ chồng nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương - Trần Bá Thùy, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Lý Thị Lý (người chấp bút hồi ký GS Trần Văn Khê)…

Có một người không nằm trong di ngôn của GS Khê nhưng luôn trong tâm trí ông những ngày bệnh đó là nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.

Trong những phút giây nói được vào chiều 10-6, GS Khê đã nói với bác sĩ là “Nhạc… Bảo... Bảo”. Bác sĩ không hiểu lắm nên đã gọi người nhà là chị Trần Thị Thủy Ngọc (con gái GS) và anh Nhựt Quang vào. “Mọi người hiểu ngay đó là thầy muốn nghe tiếng đờn của nhạc sư Vĩnh Bảo” - anh Nhựt Quang chia sẻ.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo năm nay 98 tuổi, ông là người mà GS Khê mỗi lần nhắc đến luôn nói: “Tiếng đờn của người tri âm, tri kỷ như Bá Nha gặp Tử Kỳ”. Và trong những giây phút mệt nhoài trên giường bệnh, điều ông muốn nghe nhất là tiếng đờn tri âm từ người tri kỷ Vĩnh Bảo.

Ngay khi hiểu được mong muốn của GS Khê, anh Trần Quang Hải vội tải nhạc của nhạc sư Vĩnh Bảo hòa đàn cùng GS Khê về cho ông nghe nhưng mạng tải về quá chậm, gia đình liền gọi điện thoại kể cho nhạc sư Vĩnh Bảo. Ngay sau đó, nhạc sư Vĩnh Bảo lập tức mở máy ghi âm tiếng đờn của mình ngay tại nhà rồi gửi qua email cho anh Nhựt Quang mở cho GS Khê nghe. Bản ghi âm bắt đầu: “Hôm nay là ngày 10-6, lúc 4 giờ 47 phút, bản Rao xuân, sống trẻ mãi không già…”.

Dẫu bản ghi âm có âm thanh không được rõ nét nhưng âm nhạc cùng với lời nói của người bạn Vĩnh Bảo, dường như GS Khê được tiếp thêm sức lực. Ở đầu bên kia, cũng vì mong ngóng sức khỏe của bạn già nên ngay sau khi thu bài Rao xuân, nhạc sư Vĩnh Bảo vào ra đứng ngồi không yên, ông thu tiếp thêm bốn bản nhạc khác gửi tặng đến người bạn của mình.

“Tôi biết đó là những bản nhớ nhung, buồn man mác, lời dặn dò bình tâm, lời chúc phúc đầy tình cảm nhất mà họ dành cho nhau. Không biết nói sao nữa, chỉ mong sao hai cây đại thụ của đất Sài Gòn Gia Định này luôn thọ mãi và là tấm gương cho đời sau về nghĩa tri âm” - anh Nhựt Quang mong ước.

Đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo cho GS Trần Văn Khê

BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết lúc nhập viện, GS Trần Văn Khê bị suy hô hấp do viêm phổi nặng, bị suy tim, thận. Ngoài ra, do GS bị rối loạn nhịp chậm nên phải đặt máy tạo nhịp tim cấp cứu. Bệnh viện đã điều trị tích cực các bệnh cho GS. Hiện GS vẫn đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt đảm bảo vô trùng, GS thở máy, gọi có phản xạ mở mắt…

Theo BS Dũng, hằng ngày giám đốc bệnh viện chỉ đạo theo dõi, điều trị, hội chẩn với GS-BS một số chuyên khoa ở các bệnh viện khác. Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP, Sở Y tế cũng đã quan tâm đến thăm hỏi và chỉ đạo bệnh viện chăm sóc tốt cho GS. Những ngày qua đã có nhiều đoàn cán bộ của TP đến thăm và trao đổi công tác điều trị cho GS. Theo BS Dũng, mọi chi phí điều trị cho GS do thành phố lo.

DUY TÍNH

Mong muốn căn nhà của mình sẽ là nơi lưu niệm

Chiều 5-6, trong di nguyện của mình (lập tại phòng Hồi sức của BV Nhân dân Gia Định, TP.HCM), GS Trần Văn Khê nêu rõ khi ông vĩnh viễn ra đi, căn nhà ở đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP.HCM, nơi ông ở hiện tại được dùng làm nhà lưu niệm Trần Văn Khê. “Tôi ao ước các thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu. Lưu ý những tư liệu này chỉ dùng vào công việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa, không được dùng vào việc thương mại”. VNE dẫn lời GS Khê ghi trong di nguyện. Giáo sư cũng mong tiền phúng điếu tại tang lễ ông được dùng lập quỹ học bổng hoặc giải thưởng cho người nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm