Vắng khách mua, người trồng hoa cúc Tết ở Quảng Ngãi như 'ngồi trên đống lửa'

Vắng khách mua, người trồng hoa cúc Tết ở Quảng Ngãi như 'ngồi trên đống lửa'

(PLO)- Thời điểm này những năm trước, thương lái đã đến mua hầu hết các vườn hoa cúc Tết. Năm nay vắng thương lái đến mua hoa khiến nông dân đứng ngồi không yên.

Những ngày này, tại làng hoa Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa - vùng trồng hoa cúc Tết lớn nhất Quảng Ngãi, các nhà vườn đang làm những công đoạn cuối cùng để sẵn sàng xuất bán hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết, nhưng nhiều nhà vườn rất vắng thương lái đến xem hoa, đặt mua.

vang-khach-mua-nong-dan-trong-hoa-cuc-tet-o-quang-ngai-dung-ngoi-khong-yen-7.jpg
Nông dân làng hoa Nghĩa Hiệp đang thực hiện những công đoạn cuối cùng để hoa cúc Tết sẵn sàng xuất ra thị trường.

“Năm nay thời tiết bất lợi, mưa liên tục nhưng cúc vẫn nở đúng Tết, riêng hoa vạn thọ coi như mất trắng”, ông Nguyễn Tư (trú xã Nghĩa Hiệp) nói.

Theo ông, thời điểm này những năm trước thương lái đã đến xem hoa cúc Tết tại vườn và đặt cọc. Nhưng năm nay, đến giờ vẫn chưa có thương lái nào đến xem hay đặt mua khiến ông Tư vô cùng lo lắng.

Vắng khách mua, nông dân trồng hoa cúc Tết ở Quảng Ngãi 'đứng ngồi không yên’
So với mọi năm, tình hình vắng thương lái đến xem, đặt cọc hoa đã khiến người dân như ngồi trên đống lửa.

Tương tự gia đình ông Tư, ông Đinh Trình Được cũng rơi vào cảnh thấp thỏm khi 2.500 chậu cúc của gia đình chỉ mới bán được 1.200 chậu, phần còn lại đang gặp khó.

"Số hoa tôi bán được là nhờ những mối cũ chứ chưa có ai đến vườn xem hoa, chẳng hiểu sao năm nay chậm đến vậy. Không những vậy, thời tiết bất lợi khiến 200 chậu vạn thọ của gia đình xem như mất trắng vì giờ còn chưa chịu cho nụ”, ông Được thở dài.

vang-khach-mua-nong-dan-trong-hoa-cuc-tet-o-quang-ngai-dung-ngoi-khong-yen-8.jpg
Làng hoa Nghĩa Hiệp có đến 500 hộ trồng hoa, mỗi hộ từ vài trăm đến vài ngàn chậu cúc Tết.

Xã Nghĩa Hiệp hiện có khoảng 500 hộ trồng hoa trên diện tích khoảng 30ha với chừng 250.000 chậu hoa cúc Tết. Theo thống kê của chính quyền địa phương, chỉ khoảng 50% hoa cúc được thương lái đặt cọc, mua.

vang-khach-mua-nong-dan-trong-hoa-cuc-tet-o-quang-ngai-dung-ngoi-khong-yen-9.jpg

Đa số hộ trồng hoa tại xã Nghĩa Hiệp đều trong tình cảnh tương tự. Bà Trần Thị Mỹ cho hay: "Mấy năm trước vào giờ này người ta tới mua mạnh rồi, năm nay không thấy ai hỏi, sợ rằng bán không hết bông”, bà nói và dự định sẽ đi bán lẻ bông trong trường hợp thương lái không mua hết.

vang-khach-mua-nong-dan-trong-hoa-cuc-tet-o-quang-ngai-dung-ngoi-khong-yen-4.jpg
Bà Mỹ lo lắng vì không thấy khách hỏi mua hoa. Bà dự định không bán hết cho thương lái bà sẽ đi bán lẻ hoa để gỡ lại vốn.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, cho hay dù hoa cúc Nghĩa Hiệp được chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm), nhưng đa phần người dân trồng theo kinh nghiệm truyền thống, không rõ định hướng, khó tiếp cận thị trường. Do đó, việc sản xuất hoa Tết vẫn theo kiểu "may nhờ rủi chịu".

1000005156.jpg
Một vườn hoa cúc Tết đã sẵn sàng cung ứng ra thị trường tại làng hoa Nghĩa Hiệp.

Việc xuất bán phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Chỉ cần vắng người mua là bà con như "ngồi trên đống lửa". Địa phương mong có cơ quan chuyên môn quảng bá nhằm tăng đầu ra cho vựa hoa cúc lớn nhất miền Trung này.

Đọc thêm