Trước đó, chiều 16-4, phiên tòa xét xử vụ án bầu Kiên và các đồng phạm bất ngờ bị hoãn vì bị cáo Trần Xuân Giá bị bệnh và chưa biết đến khi nào phiên tòa mới mở lại được. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, thời gian hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Luật cũng quy định khá đầy đủ các trường hợp phải hoãn phiên tòa sơ thẩm nhưng thực tiễn xét xử nhiều trường hợp khó áp dụng, buộc tòa án phải vi phạm.
Câu hỏi đặt ra là, nếu hết hạn 30 ngày mà sức khỏe của ông Giá chưa bình phục và không thể tham gia phiên tòa thì hoãn đến bao giờ?! Nếu vụ án chỉ có một bị cáo thì vấn đề “vi phạm” về thời hạn hoãn phiên tòa “không vấn đề”. Tuy nhiên, vụ án có đến chín bị cáo như vụ án bầu Kiên lại là vụ án phức tạp nếu không nói là rất phức tạp và đặc biệt nghiêm trọng. Lẽ ra trước khi mở phiên xử, tòa phải xác minh tình trạng sức khỏe của ông Giá xem có thể tham gia phiên tòa nhưng đã không làm, chỉ đến khi luật sư đưa ra các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì HĐXX mới quyết định hoãn.
Hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe của bị cáo khó tránh khỏi vi phạm tố tụng. Thực tiễn có một số phiên tòa, sau khi hoãn một vài lần, tòa án đã quyết định tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo. Cũng có trường hợp bị cáo tuy có mặt tại phiên tòa nhưng nằm trên băng ca, không khai báo, không trả lời được những câu hỏi của HĐXX, kiểm sát viên và người tham gia tố tụng khác.
Nhiều ý kiến cho rằng trường hợp bị cáo bị bệnh không thể tham gia phiên tòa thì tòa án nên tạm đình chỉ xét xử đối với họ. Thế nhưng luật lại quy định chỉ bị cáo bị bệnh hiểm nghèo thì mới thuộc trường hợp tạm đình chỉ. Bệnh hiểm nghèo khác với tình trạng sức khỏe của bị cáo không thể tham gia phiên tòa. Luật cũng quy định đối với bị cáo khai là mình bị bệnh hiểm nghèo nhưng Hội đồng Giám định pháp y kết luận không phải là bệnh hiểm nghèo, cần phải có thời gian điều trị thì thẩm phán có thể chưa hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ mà đợi sức khỏe của bị cáo ổn định mới đưa vụ án ra xét xử. Nếu vụ án có nhiều bị cáo thì nên đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo khác, còn có thể quyết định tạm đình chỉ đối với bị cáo tuy không phải là bệnh hiểm nghèo nhưng cần phải có thời gian điều trị theo yêu cầu của giám định viên. Đã ra quyết định tạm đình chỉ mà phát hiện bị cáo không phải là bệnh hiểm nghèo nhưng cần phải có thời gian điều trị thì chưa hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ. Vậy tại sao tòa án không tạm đình chỉ đối với bị cáo tuy không phải là bệnh hiểm nghèo nhưng cần phải có thời gian điều trị theo yêu cầu của bác sĩ? Vì thế cách hiểu: Chỉ bị cáo bị bệnh hiểm nghèo thì mới thuộc trường hợp tạm đình chỉ là máy móc.
Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định thời hạn hoãn phiên tòa chứ không quy định gia hạn thời gian hoãn phiên tòa; việc tách vụ án chỉ do cơ quan điều tra tiến hành trong trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả tội phạm và việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện vụ án. Trong giai đoạn xét xử không có quy định cho tòa án tách bị cáo hay bị can mà chỉ có quy định tạm đình chỉ xét xử.
Trường hợp của ông Giá, tòa án chỉ có thể tạm đình chỉ chứ không nên hoãn phiên tòa hay trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, vì có gì mà phải điều tra bổ sung?
ĐINH VĂN QUẾ