Theo trang Asia.nikkei, khi núi Agung của Bali bắt đầu gây xôn xao từ tháng 9 năm ngoái, các nhà chức trách ở Indonesia đã lo ngại rằng thảm họa núi lửa từng xảy ra vào năm 1963 có thể sẽ xảy ra lần nữa. Người dân nhanh chóng được cảnh báo sơ tán trước khi cơn cuồng nộ của Agung có thể san bằng sự sống trên hòn đảo nhỏ.
Từ tháng 11 năm ngoái cho đến nay, đã có hơn 140.000 người buộc phải sơ tán, và Agung cũng vẫn chưa dừng lại.
Tro bụi phun ra từ Núi lửa Agung ở Karangasem, Bali, Indonesia ngày 30-11-2017. Ảnh: AP
Vào ngày 23-1, núi lửa Kusatsu-Shirane, cách thành phố Tokyo khoảng 150 km, đã khiến Cơ quan Khí tượng Nhật Bản bàng hoàng khi nó đột nhiên phun trào cách khu vực được Nhật giám sát cao độ chỉ trong vòng bán kính 2km. Các mảnh vụn của vụ phun trào đã khiến một thành viên của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất tử nạn và làm năm người khác bị thương.
Cùng thời gian đó, núi Mayon ở Philippines bắt đầu phun tro và dung nham, khiến 56.000 người phải sơ tán.
Sau đó, vào giữa tháng hai năm nay, núi Sinabung ở Sumatra, Indonesia, đã phun trào dữ dội với các cột khói cao tới 7km cùng nhiều đám mây khói bụi nóng tỏa ra xung quanh khiến mọi người đã phải bỏ chạy tán loạn.
Trận động đất mạnh 6.4 độ Richter đã xảy ra tại thành phố Hoa Liên, Đài Loan, khiến nhiều tòa nhà bị sập đổ. Ảnh: Reuters
Hồi đầu tháng 2, một trận động đất mạnh 6.4 độ Richter đã xảy ra tại thành phố Hoa Liên, Đài Loan, khiến nhiều tòa nhà bị sập đổ, lấy đi 17 sinh mạng.
Sự phục hồi địa chấn ở Nhật Bản, Philippines và Indonesia đang là điều cảnh báo rằng "vành đai lửa" Thái Bình Dương đang chuẩn bị thức giấc. Đây được xem là khu vực nguy hiểm khi có đến 3/4 núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới, tạo thành hình một chiếc vành móng ngựa dài khoảng 40.000 km.
Sau 65 cơn địa chấn kinh khủng diễn ra vào thế kỷ 20 thì chỉ trong 18 năm đầu tiên của thế kỷ 21, toàn cầu đã chứng kiến đến 25 vụ núi lửa phun trào, chiếm hơn 1/3 số cơn địa chấn chỉ trong vòng thời gian không lâu.
Vẫn chưa biết được, các cơn địa chấn có còn tiếp diễn hay không nhưng nó đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với các nước Châu Á thuộc vành đai này, điển hình là Indonesia và Nhật Bản với hai trận động đất nặng nề vào năm 2004 và 2011.
Giáo sư Yoshiyuki Tatsumi thuộc Trung tâm thám hiểm đáy đại dương Kobe tại Đại học Kobe cho biết, hoạt động núi lửa gần đây ở Châu Á gần giống như
"vành đai lửa" từng diễn ra trong lịch sử. Điều cốt yếu là chính phủ và các nhà khoa học cần nắm bắt rõ các dấu hiệu cho thấy núi lửa sắp phun trào để sẵn sàng ứng phó, bởi "chúng ta biết rằng chúng ta đang sống trong một khu vực nơi núi lửa có thể hoạt động bất cứ lúc nào".
Sự phun trào bất ngờ gần đây nhất ở Nhật Bản là một lời nhắc nhở về sự không thể đoán trước được của những sự kiện này. Giáo sư Yasuo Ogawa thuộc Trung tâm Nghiên cứu chất lỏng núi lửa, của Học viện Công nghệ Tokyo cho biết: "Chúng tôi đang nghiên cứu về các cảm biến cho thấy những dấu hiệu dù nhỏ nhất của núi lửa, nhưng thực tế là chúng tôi vẫn không tiên đoán được khi nào núi lửa có thể xảy ra."
Vành đai lửa trên biển Thái Bình Dương. Ảnh: NBC
Nguy hiểm nhất là Indonesia, nơi có đến 127 ngọn nữa lửa. Hiện một nữa trong số đó đang được theo dõi liên tục. Giáo sư Anthony Reid, đại học Úc từng nhận định chuỗi núi lửa từ quần đảo Sunda là một giao diện kiến tạo nguy hiểm nhất của thế giới."
Tiếp đến là quần đảo Philippines với 24 núi lửa hoạt động trong số 300 miệng núi lửa. Ông Renato Solidum, người đứng đầu Học viện núi lửa và Địa chấn Philippine cho biết học viện này đang theo dõi núi lửa Kanlaon ở miền trung Philippines và núi lửa Bulusan, cách núi lửa Mayon 70 km.
Hiện đất nước này đang đứng trước đe dọa của núi lửa Mayon, con "quái vật" hung hãn từng phun trào hơn 60 lần kể từ thế kỷ 17 và vẫn chực chờ tạo nên một cơn cuồng nộ không báo trước.
Được biết, núi lửa và động đất sinh ra từ sự va đập tự nhiên của các lớp kiến tạo địa chất. Nó là một quá trình vô tận không liên quan đến sự nóng lên toàn cầu và sự thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, những cơn địa chấn lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.
Động đất khiến sụp đổ các tòa nhà, phá hủy cơ sở hạ tầng trên mặt đất. Nếu diễn ra trên biển, động đất có thế gây ra sóng thần với những hậu quả kinh hoàng. Đương cử là trận động đất mạnh 9 độ Richter ở miễn Bắc Nhật Bản đã gây nên sóng thần và lấy đi 16.000 sinh mạng.
Thảm họa toàn cầu
Vào khoảng 10:02 sáng 27-8-1883, khoảnh khắc cả thế giới bàng hoàng khi hay tin ngọn núi lửa Krakatoa thuộc vành đai lửa Thái Bình Dương, nằm giữa đảo Sumatra và Java của Indonesia phun trào dữ dội.
Với chỉ số phun trào ở mức độ 6, gấp 13.000 lần sức công phá của bom nguyên tử "Little Boy" được thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945, vụ nổ tại đảo núi lửa Krakatoa là một trong số những ngày tồi tệ nhất của lịch sử nhân loại. Nó cướp đi sinh mạng của ít nhất 36.417 người; phá hủy toàn bộ 165 ngôi làng và thành phố gần đó; làm 132 ngôi làng bị tàn phá nghiêm trọng.
Dư chấn của vụ nổ cũng đã tạo nên một cơn sóng thần cao tới 30 m đổ về 2 hòn đảo Java và Sumatra, tiếp tục làm cho hàng nghìn người thiệt mạng.
10 ngày sau thảm họa tồi tệ này, Trái đất chìm trong khói bụi. Lượng lưu huỳnh trong tro phản ứng với ozon khí quyển gây ra cảnh hoàng hôn sống động trên toàn thế giới trong 3 tiếng. Nhiệt độ toàn cầu giảm và sự gián đoạn khí hậu kéo dài tới 5 năm. Kéo theo đó là nạn đói, dịch bệnh...
Vậy có thể nói, sự kinh khủng của núi lửa không chỉ dừng lại ở những nước nằm trong vành đai lửa mà hậu quả của nó để lại có thể kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng không nhỏ đến cả thế giới trong một thời gian dài.