Lâu nay, các thương lái, tiểu thương ngành thịt heo rất bức xúc khi mua nhầm thịt heo bị bơm nước trước. Theo phản ánh của bạn đọc, tại xã Mỹ Hạnh (Đức Hòa, Long An) có lò Bảy S., Tám Đ., Mười A., Bộ Đ. chuyên bơm nước vào heo trước khi giết mổ. Chúng tôi đã đến xã Mỹ Hạnh, thâm nhập các lò heo bị nêu đích danh trên để tìm hiểu.
Heo tăng trọng nhờ bơm nước
Chiều 29-11, trong vai một bạn hàng của ông P., người cung cấp thịt heo cho tiểu thương chợ Bình Điền (TP.HCM), cần gặp chủ lò, chúng tôi thản nhiên phóng thẳng xe máy vào khu vực nhốt heo nằm phía sau nhà hai ông Tám Đ. và Bảy S. Đây là khu vực “bất khả xâm phạm”, người lạ khó lòng bén mảng.
Thấy người lạ, hai thanh niên đang bơm nước vào heo ngừng tay, giấu đồ nghề và đưa mắt dò xét. Tuy nhiên, nghe chúng tôi nói quen với ông P., lại thấy bộ dạng giống “lái heo” thứ thiệt nên cả hai bảo đứng chờ và tiếp tục công việc.
Chúng tôi quan sát xung quanh rồi bấm máy camera ghi lại hình ảnh con heo nặng gần trăm ký bị banh miệng bằng móc sắt rồi thọt ống sắt hình chữ T vào tận cuống họng. Sau đó, một người nối ống nhựa vào sắt chữ T rồi bơm nước vào bụng heo. Bị bơm nhiều nước, con heo vùng vẫy, rống lên ỏm tỏi vì đau, có con nằm bẹp thở nặng nhọc bởi bụng căng phồng. Thời gian bơm nước khoảng từ 15 giờ đến 17 giờ. Vài giờ sau, chờ nước thấm vào các tế bào là heo được đưa lên bàn mổ.
Heo bị móc sắt banh miệng để bơm nước vào bụng. (Ảnh chụp qua camera tại lò Tám Đ. và Bảy S. vào chiều 29-11) Ảnh: TR.NGỌC
Chủ lò thuê người bơm nước heo giữa ban ngày nhưng không thấy xuất hiện bóng dáng cán bộ thú y nào tại lò. Bước vào “văn phòng thú y” được đặt tại lò Tám Đ. chúng tôi chỉ thấy hai phụ nữ đang ngồi đếm tiền và chẳng thèm đếm xỉa gì đến khách lạ.
Mua heo bệnh, chạy giấy kiểm dịch
Không chỉ bơm nước vào heo cho tăng trọng, các chủ lò còn thu mua cả heo bệnh để mổ thịt bán lại cho lái. Chúng tôi nói tìm người để bán heo bệnh, heo không giấy tờ. Nhân viên ở lò Tám Đ. phán một câu chắc nịch: “Heo lành, heo bệnh mua hết. Tôi sẽ lo giấy tờ kiểm dịch thú y”.
Chúng tôi bước qua lò heo của ông Bảy S., giả vờ kêu bán hai con heo bỏ ăn. ông Bảy liền giục chở heo bệnh đến lò để ông mua. “Tôi sẽ cho xe tới nhà anh để bắt heo nhưng phải trừ 150.000 đồng chi phí” - ông Bảy ra điều kiện.
Tại lò heo bà Mười A., chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự: “Heo bệnh thì nên bán hết cả đàn. Heo bệnh nhưng khi bán ra đều có giấy kiểm dịch đàng hoàng”.
Qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, các lò heo ở Mỹ Hạnh mỗi ngày thu vào hàng trăm heo bệnh, heo không nguồn gốc từ các nơi. Nguồn heo này được hợp thức hóa bằng giấy chứng nhận kiểm dịch đưa vào cơ sở giết mổ tại Long An và TP.HCM.
Tuy nhiên, trao đổi về tình trạng heo bơm nước, heo bệnh, ông Dương Minh Phí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, quả quyết “không có heo bị bơm nước”. Tuy nhiên, khi chúng tôi trưng ra hình ảnh heo đang bị bơm nước tại lò tám Đ. thì ông Phí ngắc ngứ rồi nói: “Sẽ cho kiểm tra và xử lý”.
Ngoài ra, ông Phí khẳng định heo từ các nơi chở đến lò phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thì cán bộ thú y mới cho nhập. Cán bộ thú y luôn có mặt tại các lò để kiểm tra lâm sàng, đồng thời cấp giấy chứng nhận kiểm dịch heo xuất đi. Sau khi chúng tôi nêu ra việc mua heo bệnh, chạy giấy kiểm dịch tại lò Mười A., Bảy S., Tám Đ., ông Phí mới hứa sẽ xem lại việc thu mua heo tại các lò trên và chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ thú y cơ sở.
Bà Trương Thị Kim Châu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết bơm nước làm các tế bào cơ của heo trương phồng, tăng trọng lượng. Trong khi nhìn bề mặt thịt heo tươi khô, sạch nhưng mặt cắt thịt heo bị ướt, độ đàn hồi kém. Thịt heo bơm nước dễ vấy nhiễm vi sinh, chóng hư. Chưa kể heo bệnh, heo không nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh. Thịt của heo bơm nước, heo bệnh không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Chi cục Thú y TP.HCM sẽ làm việc với Chi cục Thú y tỉnh Long An để tìm giải pháp chấm dứt tình trạng heo bơm nước và mua bán heo bệnh, heo không nguồn gốc. Nghị định 40 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có quy định “Phạt tiền từ 3 triệu đến 4 triệu đồng đối với hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước, sau khi giết mổ nhằm gian lận trong kinh doanh”. Đồng thời “Phạt tiền từ 4 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện việc xử lý đối với động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y”. |
TRẦN NGỌC - THÁI HIẾU